Đại diện Tổ chức Liên Hiệp quốc (LHQ) cho biết, tháng 6/2016 đánh dấu 14 tháng liên tiếp thế giới ghi nhận khí hậu nóng kỷ lục cả ở mặt đất và trên biển. Đây là dấu hiệu khiến các quốc gia buộc phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện bản hiệp ước đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hợp quốc COP-21 ở Paris, Pháp ngày 12/12/2015. Theo đó, hiệp ước quy định rằng, để giúp các nước đang phát triển chuyển từ việc sử dụng nhiên liệu hoá thạch sang các nguồn năng lượng xanh hơn và ứng phó với Biến đổi khí hậu, các nước phát triển sẽ cung cấp 100 tỷ USD/năm.
Tình trạng băng tan trên sông Chilkat, Alaska đầu năm 2016 |
Theo NASA, nhiệt độ trung bình toàn cầu trong 6 tháng đầu năm 2016 đã tăng 1,3 độ C, trên mức thời kỳ tiền công nghiệp ở những năm cuối thế kỷ 19. “Tình trạng này càng là động thái thúc đẩy các nước nhanh chóng phê duyệt và triển khai thực hiện các thỏa thuận chống biến đổi khí hậu theo bản hiệp ước”, Tổng thư ký WMO Petteri Taalas nói thêm. Bản hiệp ước chống biến đổi khí hậu toàn cầu đã được chính thức thông qua tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên Hiệp Quốc COP21 ở Paris, gần 200 chính phủ đã đồng ý để hạn chế sự nóng lên toàn cầu. “Sự ấm lên toàn cầu thể hiện rõ rệt ở khí hậu Bắc Cực, khiến các tảng băng lâu năm tan chảy ở Greenland và biển Bắc Cực”, đại diện WMO cho biết. Giám đốc Chương trình nghiên cứu khí hậu thế giới, ông David Carlson chia sẻ trong họp báo gần đây cho rằng, những gì chúng ta thấy trong 6 tháng đầu năm 2016 là tình trạng đáng báo động. “Chúng tôi đã nghĩ sẽ phải mất vài năm mới xảy ra hiện tượng này. Vậy là thế giới không còn nhiều thời gian như chúng ta đã nghĩ”, ông David Carlson nhận định.