Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi khởi nghiệp là động lực phát triển

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hà Nội cần đi tiên phong và trở thành trung tâm khởi nghiệp, trung tâm sáng tạo của cả nước...

Đây chính là một trong những động lực quan trọng để phát triển kinh tế tư nhân, huy động nhân lực, vật lực của toàn xã hội vào phát triển kinh tế”, đó là chỉ đạo và cũng là mong muốn của người đứng đầu Chính phủ tại Hội nghị “Hà Nội 2016 - Hợp tác đầu tư và phát triển”. Không còn là khẩu hiệu chung chung, xây dựng môi trường khuyến khích người dân, DN đang là một trong những trọng tâm của TP nhằm tăng sức cạnh tranh của kinh tế Thủ đô.

Không ít những thách thức

Theo số liệu thông kê mới nhất, Hà Nội hiện có gần 200.000 DN, đứng thứ hai cả nước về số lượng DN. Nhưng phần lớn là DN nhỏ và vừa (DNNVV) - chiếm 97%, tạo ra 67% việc làm, nộp ngân sách 40%, đóng vai trò quan trọng trong phát triển Thủ đô.
Vận hành hệ thống dán linh kiện tự động tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Công Hùng
Vận hành hệ thống dán linh kiện tự động tại Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Ảnh: Công Hùng
Tuy nhiên, thực tế cho thấy còn tồn tại một số hạn chế trong việc thúc đẩy phát triển DN khởi nghiệp: Chương trình khởi nghiệp quốc gia của Chính phủ trên địa bàn Hà Nội chưa được thực hiện đồng bộ; Số lượng các DN làm ăn thua lỗ, giải thể, phá sản hàng năm còn nhiều; Hiệu quả sản xuất, kinh doanh, năng lực cạnh tranh của các DN chưa cao; Các DN đổi mới sáng tạo chưa có được một cơ chế khuyến khích riêng để phát triển đáp ứng yêu cầu; Việc triển khai Đề án xây dựng Vườn ươm DN cơ khí chế tạo đã và đang gặp phải một số khó khăn ảnh hưởng trực tiếp tiến độ thực hiện; Tỷ lệ DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và khu vực nông thôn còn khiêm tốn, hiệu quả kinh tế còn thấp. Việc cụ thể hóa chính sách của T.Ư còn chậm; Hệ thống các chính sách hỗ trợ các DN khởi nghiệp, môi trường sản xuất, kinh doanh của các DN khởi nghiệp chưa thực sự thuận lợi... Chính vì vậy, việc tập trung hỗ trợ phát triển DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội đến năm 2020 là rất cần thiết trong khuôn khổ cơ chế, chính sách chung của Nhà nước, xứng tầm với vị thế của Thủ đô.

Và mục tiêu có thêm 200.000 DN thành lập mới
Theo dự kiến, Đề án khởi nghiệp do lãnh đạo UBND TP làm Trưởng ban, Sở KH&ĐT là cơ quan thường trực. Các thành viên của Ban chỉ đạo bao gồm: Sở KH&CN, Sở Tài chính, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội, Sở TT&TT, Sở QH - KT, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, Sở NN&PTNT, Ban Quản lý các KCN&CX, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Hà Nội, Cục Thuế Hà Nội…

Hội nghị “Hà Nội 2016 – Hợp tác Đầu tư và phát triển” đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó tạo điều kiện cho DN khởi nghiệp đã nhận được sự đồng tình của mọi tầng lớp người dân, nhất là cộng đồng DN. Theo đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội, với chức năng là cơ quan thường trực, Sở đang phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện Đề án “Hỗ trợ phát triển DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội đến năm 2020” trình TP phê duyệt. Tuy nhiên, về cơ bản, mục tiêu của Đề án sẽ tạo lập môi trường sản xuất - kinh doanh thuận lợi nhằm hỗ trợ DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo phát triển. Dự kiến, đến năm 2020, phát triển DN Thủ đô có năng lực cạnh tranh, quy mô lớn, nguồn lực mạnh, là động lực, góp phần tạo việc làm, tăng năng suất lao động, đóng góp vào quá trình thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững. Trong đó, phấn đấu đến năm 2020 có thêm 200.000 DN thành lập mới; Hàng năm, trên 30 - 35% DN có hoạt động đổi mới sáng tạo; Đến năm 2020, hỗ trợ phát triển 200 dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; Hỗ trợ phát triển 60 DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Dù Đề án chưa được ban hành, nhưng ngay từ 1/9, Sở KH&ĐT cũng triển khai đăng ký DN qua mạng 12 thủ tục (không phải nộp lệ phí) cho tất cả các tổ chức, cá nhân đến thực hiện thủ tục đăng ký DN tại Sở KH&ĐT, giúp giảm chi phí, thời gian đi lại cho DN. Điều đó đồng nghĩa với việc một loạt quy trình phải thay đổi. Nếu như trước đây khi thực hiện thủ tục cấp mã số thuế hết 4 tiếng, thì nay thực hiện quy trình cải cách hành chính liên thông giữa Cục Thuế và Sở KH&ĐT, DN chỉ cần 30 phút để được cấp mã số thuế. Trước đó, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu về triển khai Luật DN và Luật Đầu tư mới (có hiệu lực từ 1/7/2016) khi thực hiện thời gian rút ngắn thủ tục đăng ký kinh doanh từ 5 ngày xuống còn 3 ngày trước 6 tháng so với quy định của luật. Điều này đã nhận được sự đồng tình và niềm tin của DN về một môi trường kinh doanh ngày một cải thiện, hiệu quả hơn.

Cũng nhằm triển khai hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phát triển DN khởi nghiệp, DN đổi mới sáng tạo của TP Hà Nội đến năm 2020”, TP tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách cần thiết để thúc đẩy môi trường khởi nghiệp về thủ tục đăng ký thành lập, hoạt động của tổ chức, cá nhân đầu tư mạo hiểm; Cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ ban đầu của Nhà nước và khuyến khích đầu tư tiếp theo cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của các thành phần kinh tế, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội; Cơ chế hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp của các quận, huyện, thị xã có nhu cầu và tiềm lực phát triển hoạt động này; Cơ chế thuế, tài chính đặc thù đối với tổ chức và cá nhân có hoạt động khởi nghiệp đối với DN KHCN…

Dự thảo Đề án khởi nghiệp không căn cứ, giới hạn vào tuổi tác, lĩnh vực kinh doanh của DN (trên cơ sở những ngành kinh doanh mà pháp luật không cấm). Do đó, DN có thể khởi nghiệp ở mọi lúc, mọi nơi, chỉ cần có ý tưởng phát triển một lĩnh vực mới. Chẳng hạn, DN đang kinh doanh lĩnh vực bất động sản khá thành công, song tiếp tục có ý tưởng mới trên lĩnh vực trồng rau sạch… thì đó chính là khởi nghiệp và cũng được xem xét hỗ trợ.
Hình thành những “cái nôi” để DN phát triển

Ông Lê Văn Quân – Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm hỗ trợ DNNVV (Sở KH&ĐT Hà Nội) cho rằng, khuyến khích các hộ kinh doanh cá thể, nhỏ lẻ đủ điều kiện nâng lên thành lập DN hoạt động bài bản, có điều kiện phát triển, chuyên sâu hơn sẽ là nguồn lực rất lớn với sự phát triển kinh tế của Thủ đô. Tuy nhiên, khi khởi nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực, DN rất cần sự đồng hành hỗ trợ. Với chức năng, nhiệm vụ của mình, Trung tâm đã triển khai nhiều chương trình vườn ươm hỗ trợ tư vấn, thậm chí cầm tay chỉ việc để làm thủ tục thành lập. Chính vì thế, việc tiệm cận với các mô hình vườn ươm quy mô của TP là bước khởi đầu khích lệ, tạo tâm lý động viên cho DN.

Chia sẻ về vườn ươm DN trong lĩnh vực thực phẩm của Sở do Trung tâm đang quản lý và điều hành, ông Quân cho biết, từ khi đi vào hoạt động tháng 11/2007 đến nay, vươn ươm đã hỗ trợ trên 30 DN khởi nghiệp thành công nhờ hưởng các ưu đãi sử dụng thiết bị dùng chung, hỗ trợ mặt bằng, tham gia kết nối kinh doanh, kết nối hệ thống; Hỗ trợ tham gia các chương trình đào tạo miễn phí… Theo ông Quân, tới đây, mô hình vườn ươm cần nhân rộng sang nhiều lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, cơ khí… Những mô hình này sẽ hỗ trợ và giảm thiểu rủi ro nhiều cho DN. Sau khi khởi nghiệp thành công, DN có kinh nghiệm, có thị trường sẽ góp phần không nhỏ cho phát triển kinh tế Thủ đô.