KTĐT - Không như các phiên tòa khác, những vụ án mà bị cáo và bị hại là người thân của nhau bao giờ cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Người ta nhìn thấy ở đó không chỉ 1 vụ phạm pháp thuần túy mà nó còn chứa đựng biết bao bi kịch gia đình.
Giải quyết mâu thuẫn bằng bạo lực
Đầu năm 2009, Lê Văn Thái (SN 1961, trú ở thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, Hà Nội) kết hôn với chị Lỗ Thị Duyên (SN 1972; quê ở Vĩnh Phúc) khi cả hai đã cùng qua một “lần đò”. Chỉ ít ngày về ở với nhau, những mâu thuẫn giữa hai người bắt đầu nhen nhóm rồi ngày một trầm trọng hơn khi Thái liên tục đánh đập, tra xét về các khoản tiền nong của vợ. Nhận thấy gã chồng hung bạo và chẳng thể trông mong gì nên tháng 1-2010, ba mẹ con chị Duyên đưa nhau về nhà riêng ở Từ Liêm sinh sống. Gần 2 tháng sau, Thái gọi điện bảo chị Duyên về nhà lấy đồ đạc và ký vào đơn ly hôn. Tin lời Thái, khoảng 9h40 ngày 4-3-2010, chị Duyên đến nhà Thái thì bị đối tượng làm hại.
Sau khi gọi lên tầng 2 và vờ đưa đơn ly hôn cho chị Duyên xem, Thái lẳng lặng đi vào phòng ngủ lấy ra một cốc axít hắt thẳng vào mặt vợ. Mặc dù được đưa đến bệnh viện cấp cứu ngay sau đó nhưng chị Duyên vẫn bị hỏng cả hai mắt; mặt mũi biến dạng hoàn toàn và đầy thương tích trên thân thể với tỉ lệ tổn hại sức khỏe đến 95%. Với hành vi hủy hoại sức khỏe của vợ, Thái đã bị TAND TP Hà Nội xử phạt 20 năm tù giam về tội cố ý gây thương tích.
Trong một vụ án khác được TAND Hà Nội đưa ra xét xử mới đây cũng thể hiện rõ bi kịch của một gia đình. Song điều khiến pháp luật và những người dự tòa không thể chấp nhận được là chỉ vì một mâu thuẫn rất nhỏ mà Lương Trọng Nam (SN 1972, trú ở phường Tương Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội) đã dùng giao cứa cổ mẹ vợ đến chết. Nam và chị Lê Thị Hiền (ở thị trấn Văn Điển, huyện Thanh Trì) kết hôn từ năm 1990 và có một đứa con chung. Nam liên tục phạm tội, phải đi tù, do đó ở nhà chị Hiền đã kiếm cho mình một chỗ dựa tinh thần khác và có một đứa con riêng. Cuối năm 2009, Nam được trở lại cộng đồng nhưng chị Hiền vẫn quyết tâm ly hôn. Trưa 10-7-2010, Nam đến nhà vợ để nói chuyện tái hợp nhưng chỉ có mẹ vợ ở nhà. Sau khi hai người lời qua tiếng lại, Nam vớ lấy con dao cứa cổ mẹ vợ đến chết.
Tương lai nào cho con trẻ
Hôm tòa án đưa Lương Trọng Nam ra xét xử và tuyên phạt tử hình, ngồi hàng ghế phía sau, Lương Trọng Huy (con trai bị cáo) chỉ biết bưng mặt khóc rưng rức. Trong suốt phiên tòa, cậu thanh niên này cứ ngồi chết lặng cuối khán phòng để nghe những lời khai của bố. Trong lòng Huy chồng chất nỗi đau. Bố mẹ ly tán, mất bà ngoại và giờ đây là mất cả người cha tội lỗi. Với mọi người, bị cáo là kẻ giết người “máu lạnh”, nhưng với Huy, Lương Trọng Nam vẫn là đấng sinh thành. Cả một thời gian dài, bố đi ở tù vì liên tục phạm tội, mẹ thì mải mê chăm lo cuộc sống riêng nên từ nhỏ Huy đã phải sống với bà nội. Giờ đây bà nội Huy đã bước sang tuổi 74 và với biến cố này, không biết Huy sẽ lấy gì để làm hành trang bước vào cuộc sống.
Mới đây, TAND tỉnh Gia Lai cũng đã tuyên phạt Nguyễn Thị Liên (SN 1962, trú ở thị trấn Chư Sê, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) 9 năm tù về tội giết người. Nạn nhân của Liên chính là người chồng tên Nguyễn Văn Hiện (SN 1963) đã chung sống với bị cáo gần 20 năm. Hậu quả nặng nề của vụ án này không chỉ người chết, kẻ vào tù mà hơn cả là tương lai của những đứa nhỏ. Tham dự tòa, Nguyễn Đình Hưng (SN 1992, con trai đầu của vợ chồng Liên) luôn tay gạt những giọt nước mắt lăn dài trên má.
Hưng nói: “Không giận mà chỉ thương mẹ thôi. Mẹ khổ lắm. Mong tòa xử nhẹ để mẹ sớm trở về với chúng cháu. Ba mất rồi, giờ mẹ đi tù, anh em cháu trở thành mồ côi…”. Dưới Hưng còn 4 đứa em nữa và đứa nhỏ nhất mới 10 tuổi. Phiên tòa kết thúc, bà Nguyễn Thị Huế, mẹ bị cáo Liên lặng lẽ dắt mấy đứa cháu ra về mà chẳng biết ngày mai sẽ phải nuôi dạy chúng thế nào.
Theo một thẩm phán Tòa hình sự (TAND Hà Nội), mặc dù chưa có con số thông kê chính xác, song những vụ án mà những người thân trong gia đình đứng ở hai bờ “giới tuyến” gần đây tiếp tục gia tăng. Có cả trăm lý do đẩy họ phải đối diện với nhau ở tòa. Tuy nhiên, tựu chung lại thường rơi vào các trường hợp mâu thuẫn trong cuộc sống vợ chồng; bố mẹ, con cái và anh, chị, em không bằng lòng với nhau trong việc chia sẻ lợi ích.
Nhiều trường hợp phạm tội còn có nguồn gốc từ chính người bị hại, khi họ đè nén, gây áp lực về mặt tinh thần cho “hung thủ” trong suốt một thời gian dài. Đồng quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Hồng Thanh (Văn phòng Luật sư Hà Phát- Đoàn luật sư Hà Nội) còn chỉ ra rằng, khi những người thân đưa nhau ra tòa thì cơ hội hàn gắn lại mối quan hệ vốn có gần như không thể. Những người là đại diện cho bị hại luôn rơi vào trạng thái rất khó xử. Bởi một mặt họ vừa muốn pháp luật xử lý nghiêm khắc bị cáo, lại vừa muốn người thân của mình sớm được trở về đoàn tụ cùng gia đình.