Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi sinh viên đi làm... không lương

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trần Duy Minh (sinh viên năm 2 khoa ngữ văn Pháp Đại học KHXH&NV TP.HCM) là tình nguyện viên cho Ban quan hệ đối ngoại của Đại học Quốc gia TP.HCM hơn ba tháng nay.

KTĐT - Trần Duy Minh (sinh viên năm 2 khoa ngữ văn Pháp Đại học KHXH&NV TP.HCM) là tình nguyện viên cho Ban quan hệ đối ngoại của Đại học Quốc gia TP.HCM hơn ba tháng nay. Minh cho biết bạn đã lĩnh hội “những bài học mà tiền chưa chắc đã mua được” tại đây.

Hiện nay có khá nhiều sinh viên tìm kiếm kinh nghiệm thực tế cho nghề nghiệp tương lai từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ đi làm không lương cho các công ty, tổ chức để học hỏi kinh nghiệm.

Không lương nhưng vô giá

Trần Duy Minh (sinh viên năm 2 khoa ngữ văn Pháp Đại học KHXH&NV TP.HCM) là tình nguyện viên cho Ban quan hệ đối ngoại của Đại học Quốc gia TP.HCM hơn ba tháng nay. Minh cho biết bạn đã lĩnh hội “những bài học mà tiền chưa chắc đã mua được” tại đây. Minh có được môi trường sử dụng ngoại ngữ trong một công việc thực thụ. Công việc chính của Minh là đưa tin lên website về các cuộc họp liên kết quốc tế của trường. Ngoài ra, Minh còn làm những công việc văn phòng, phụ giúp hướng dẫn các đoàn sinh viên nước ngoài ghé thăm trường. “Mình học được cách tổ chức hoạt động của một ban đối ngoại, các nghi thức ngoại giao, biết các công việc văn phòng và chỉnh sửa được cách nói tiếng Anh kiểu... Việt Nam của mình” - Minh khoe.
Với Minh, dù làm không lương nhưng bạn được nhiều hơn cả tiền lương khi làm việc tại ban đối ngoại.

Hơn một năm là tình nguyện viên cho Tổ chức NAV (Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam phát triển cộng đồng, bình đẳng giới và phòng chống HIV), Nguyễn Bá Chính (sinh viên năm 2 khoa xã hội học Đại học KHXH&NV TP.HCM) đã định hướng rõ ràng cho nghề nghiệp sau này của mình. “Nếu trước đây mình chỉ biết 3-4 người có thể hỏi về nghề thì giờ đây con số là hàng trăm. Lúc chưa làm cho NAV mình còn khá mơ hồ về ngành xã hội học, giờ đây mình biết chắc chắn sau khi ra trường có thể làm được những gì” - Chính chia sẻ.

Nguyễn Hồng Tươi (sinh viên năm 2 khoa nhân học Đại học KHXH&NV TP.HCM) cũng là tình nguyện viên cho Trung tâm phát triển cộng đồng LIN (tổ chức phi chính phủ của Việt Nam) hơn hai tháng nay. “Mình đã nhận được những cam kết giúp mình phát triển chuyên môn từ tổ chức” - Tươi cho biết. “Những tổ chức quốc tế như LIN nếu tuyển người có trả lương thì trình độ đòi hỏi phải từ thạc sĩ, tiến sĩ... Sinh viên như mình chắc chắn không có cơ hội” - Tươi nói.

Không lương nhưng không phải dễ

Vào làm không một đồng lương, còn tốn tiền xăng, công sức, thời gian nhưng chuyện học kinh nghiệm từ những môi trường làm việc chuyên nghiệp không hề đơn giản với các sinh viên.

Hồng Tươi quan tâm đến việc tìm kiếm môi trường để thực tập nghề từ khi là sinh viên năm nhất. Trước khi làm cho LIN, Tươi đã tình nguyện làm cho nhiều trung tâm hoạt động xã hội. Nhưng không phải trung tâm nào cũng là môi trường tốt để Tươi có thể trau dồi chuyên môn. “Có lần mình làm tại một trung tâm xã hội ở Q.3, không những không được tạo điều kiện để phát triển chuyên môn (nghiên cứu các nhóm cộng đồng), mình còn bị sai vặt đủ thứ” - Tươi kể. Vì là sinh viên năm đầu, năm hai còn ít kinh nghiệm và kiến thức, các bạn dễ bị thiệt thòi khi làm không lương để học hỏi. Ngoài ra, khi làm không lương, sinh viên phải tự chịu trách nhiệm cho quyết định của mình, không được bảo trợ, giám sát bởi nhà trường như lúc là sinh viên thực tập.

Không chỉ vậy, khi đến làm không lương tại một đơn vị nào đó, sinh viên phải tuân thủ một cam kết - đôi khi khá khắc nghiệt - với đơn vị. Tươi cho biết trong cam kết với các tổ chức phi chính phủ, thời gian ít nhất một tình nguyện viên phải ở lại làm việc với tổ chức là 3-6 tháng. Còn Minh nhận xét dù làm không lương tại ban đối ngoại nhưng bạn luôn phải bảo đảm trách nhiệm của một người đi làm thật sự. “Phải luôn hoàn thành công việc được giao” - Minh nói.

Tại nhiều nơi không phải chỉ cần sinh viên gõ cửa với tinh thần tình nguyện thì cửa sẽ mở. Ngô Thị Lệ Chiêu (sinh viên năm 3 khoa luật Đại học Kinh tế - luật TP.HCM) cho biết: “Các văn phòng luật sư, các công ty luật là nơi sinh viên khoa mình có thể đến để học kinh nghiệm thực tế. Nhưng sinh viên năm cuối đi thực tập còn gặp khó khăn để được nhận vào và giao việc huống chi là sinh viên các năm dưới như mình”. Hiện nay Chiêu đang là tình nguyện viên tại CLB tư vấn pháp luật cho thanh niên - công nhân (Trung tâm Hỗ trợ công nhân TP.HCM). “Khi được đóng vai thẩm phán trong một phiên tòa giả định, mình nhớ nhiều hơn ôm sách để học” - Chiêu nói.

Giờ đây nhiều sinh viên không còn chờ đến kỳ thực tập để bổ sung kinh nghiệm thực tế cho mình. Cơ hội học nghề tại các tổ chức chuyên nghiệp khó nhưng không ít sinh viên sẵn sàng bỏ công sức để thử và chinh phục thử thách.