Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khi “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thanh tra Bộ KH&ĐT vừa cho biết, một số dự án giao thông theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao) do Bộ GTVT quản lý đã bị khai khống tổng mức đầu tư hàng ngàn tỷ đồng nhằm kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn.

Bộ GTVT ngay sau đó đã lên tiếng phủ nhận thông tin này. Tuy nhiên, khi chuyện liên quan đến số tiền hàng ngàn tỷ đồng được “sư nói sư phải, vãi nói vãi hay” thì dư luận không khỏi nghi ngờ tính minh bạch và hiệu quả thực sự của số tiền đó. Bởi, phía sau 3 chữ B-O-T là gánh nặng cước phí trên vai người dân.

Kết luận của Thanh tra Bộ KH&ĐT cho biết, chỉ riêng dự án BOT đoạn Nghi Sơn - Cầu Giát, nhà đầu tư khai khống tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng; dự án Hà Nội - Bắc Giang, tổng mức đầu tư cũng được nâng khống trên 800 tỷ đồng. Cơ quan thanh tra lo ngại việc đội vốn không được đề cập và so sánh khi cấp có thẩm quyền chấp thuận đầu tư có thể gây lãng phí, thất thoát ngân sách. Mặt khác, phương án thu phí hoàn vốn dự án Nghi Sơn - Cầu Giát đến 17 năm 5 tháng là không chính xác. 

Ngay lập tức, bản kết luận này đã bị Bộ GTVT ra văn bản phản pháo. Theo Bộ GTVT, tổng mức đầu tư được duyệt chỉ là căn cứ ban đầu để đàm phán lựa chọn nhà đầu tư và dự tính thời gian hoàn vốn. Giá trị quyết toán cuối cùng được cấp thẩm quyền chấp thuận mới là cơ sở để ký kết hợp đồng xác định thời gian thu phí hoàn vốn cho dự án. Vì vậy, chênh lệch giữa tổng mức đầu tư và chi phí thực tế đầu tư không phải là thất thoát hoặc lãng phí, và càng không thể là khai khống để kéo dài thời gian thu phí.

Phải thừa nhận rằng, phương thức huy động vốn tư nhân để xây dựng và kinh doanh công trình cơ sở hạ tầng, gọi tắt là dự án BOT đã mang lại hiệu quả nhiều mặt cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, trong bối cảnh nguồn vốn Nhà nước đầu tư vào lĩnh vực này còn hạn hẹp. Các dự án BOT đưa vào khai thác thời gian qua đã góp phần nâng cao năng lực, chất lượng hạ tầng giao thông Việt Nam lên vị trí 74, tăng 16 bậc so với năm 2012 và tăng 29 bậc so với 5 năm trước.

Tuy nhiên, với nhà đầu tư thì lợi nhuận vẫn là điều họ quan tâm nhất. Nên việc muốn khai khống hay nâng mức đầu tư để kéo dài thời gian thu phí hoàn vốn cũng là điều dễ hiểu. Để hạn chế tình trạng này thì các định mức kinh tế kỹ thuật phải được tính toán chính xác và khoa học, thông qua việc lập và phê duyệt bản vẽ thiết kế. Bởi đó là cơ sở để tính ra tổng mức đầu tư của dự án.

Nếu đúng như kết luận thanh tra, 2 dự án BOT Nghi Sơn - Cầu Giát và Hà Nội – Bắc Giang khởi công hơn một năm mà chưa có bản vẽ thiết kế thì dù có biện minh kiểu gì, con số chênh lệch hàng ngàn tỷ đồng tổng mức đầu tư cũng đã khiến dư luận nghi ngờ. Bởi từ lâu, chuyện đội vốn ở các công trình dự án lớn không còn là chuyện lạ, mà nguyên nhân là từ sự lỏng lẻo trong khâu thiết kế dự toán, tạo kẽ hở cho DN nâng khống tổng mức đầu tư. Có lẽ không ai khác hơn, Bộ GTVT là cơ quan hiểu nhất tình trạng này. Bởi như một báo cáo hồi tháng 7 năm ngoái, Bộ này cho biết, qua rà soát việc thiết kế, dự toán 44 dự án giao thông đã tiết kiệm 44.000 tỷ đồng cho ngân sách. 

Về nguyên tắc, các dự án BOT không sử dụng vốn Nhà nước, nhưng lại được Nhà nước bảo lãnh vay vốn ngân hàng với lãi suất ưu đãi, nên thực chất vẫn là sự đầu tư Nhà nước, nhưng nếu có lợi thì chủ đầu tư được hưởng, còn thua lỗ thì Nhà nước gánh chịu. Đây là những dự án được hưởng rất nhiều chính sách ưu đãi, nên chủ đầu tư thường nhắm nhiều vào những lợi ích trong quá trình xây dựng dự án, chứ không phải là ở giai đoạn thu hồi vốn trong quá trình khai thác sau này.

Nói như vậy để thấy rằng con số hơn 1.200 tỷ đồng mà Thanh tra Bộ KH&ĐT cho là các chủ dự án BOT đã nâng khống để trục lợi, dù chưa được phê duyệt, thì đây cũng là lời cảnh báo cần thiết đối với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định, phê duyệt thiết kế, kiểm tra, giám sát thi công các dự án đầu tư lớn. Bởi, dù ai có nói hay, nói phải thì đoạn cuối của những con đường BOT luôn là các trạm thu phí, mà hàng ngày người dân và các phương tiện phải đi qua.