Khi thơ Việt làm ngoại giao

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những tưởng sân chơi thơ Việt năm nay sẽ thêm phần rôm rả với sự góp mặt của 150 nhà thơ đến từ 43 quốc gia và vùng lãnh thổ. Song chưa bao giờ trong 13 lần tổ chức, Ngày thơ Việt Nam 2015 lại… buồn đến vậy.

Ngày thơ Việt Nam 2015 khai màn tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong tiết trời không mấy thuận lợi. Cũng có thể vì Hà Nội đón những cơn mưa phùn ngày Xuân, nên sự kiện đã bắt đầu muộn hơn so với dự kiến tới một tiếng đồng hồ (9 giờ 20 phút sáng 5/3 mới chính thức khai mạc). Nhưng một phần còn do cách tổ chức Ngày thơ năm nay không hấp dẫn người yêu thơ, nên vắng khách.

 
Khi thơ Việt làm ngoại giao - Ảnh 1

 
Đứng bên lề sân khấu thơ, nhà thơ Phan Huyền Thư - thành viên Ban Tổ chức “Sân thơ trẻ” các năm trước chia sẻ, lần đầu tiên trong 13 năm diễn ra sự kiện, những người trẻ được nghỉ. Không có sân thơ trẻ, sân khấu Ngày thơ nhường chỗ cho sân thơ truyền thống và sân thơ “Vòng tay bạn bè”. Chính vì vậy, người ta không thấy sự bốc đồng của những nhà thơ trẻ, sự chiêm nghiệm đầy sâu sắc của cánh già làm thơ. Các gian hàng bày thơ thì ít, mà bán nước mắm Cát Hải, bánh đậu xanh Hải Dương, chè Thái Nguyên, rượu vodka Nga… thì nhiều.

Độc giả không mặn mà với Ngày thơ không phải vì bớt yêu thơ. Khi bài thơ “Tổ quốc là tiếng mẹ” của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến cất lên mở đầu cho phần trình diễn và đọc thơ của các nhà thơ, người nghe thấy dâng trào cảm xúc tự hào về truyền thống văn hóa lâu đời của đất nước, về tinh thần yêu nước chống ngoại xâm của bao thế hệ người Việt. Thế nhưng, nếu như các năm trước, không gian trình diễn thơ đặc sắc với đủ hình thức: Từ ngâm thơ, kịch thơ, biểu diễn những ca khúc được phổ nhạc từ thơ…; thì năm nay, thơ đến với độc giả thông qua đọc, qua lời phát biểu mang nhiều tính ngoại giao về vẻ đẹp, con người đất nước Việt của các nhà thơ đến từ nước bạn.

Vẫn biết, Ngày thơ Việt Nam chỉ là một trong 3 sự kiện của chuỗi chương trình Liên hoan thơ châu Á - Thái Bình Dương, Hội nghị quảng bá văn học Việt Nam lần thứ 3. Những sự kiện này nhằm mục đích “hiện thực chiến lược của Hội Nhà văn Việt Nam trong việc truyền bá văn học Việt Nam ra thế giới”, như lời nhà thơ Hữu Thỉnh – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam chia sẻ trong buổi khai mạc. Quảng bá văn học Việt là chủ trương đúng, thế nhưng đến với một sân thơ đã đi vào thói quen người Việt 13 năm nay, độc giả vẫn thèm một sân chơi của riêng mình, ở đó họ được thể hiện, giao lưu với những nhà thơ họ mến mộ, không cần phải khép mình nhường chỗ cho tính chất ngoại giao.