Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó chống hàng lậu, hàng giả vì kẽ hở pháp luật

Lê Nam (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng chức năng, đòi hỏi các quy định pháp luật trong kiểm tra, xử lý vi phạm phải phù hợp thực tế.

 Cục trưởng Cục QLTT Hà Nội Chu Xuân Kiên
Đây là ý kiến của Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội Chu Xuân Kiên khi trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị xung quanh câu chuyện làm sao để ngăn chặn hàng giả, hàng lậu một cách hiệu quả.
Thời gian qua, lực lượng QLTT Hà Nội liên tục phát hiện nhiều vụ việc sản xuất, vận chuyển, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, dù bị kiểm tra, xử lý gắt gao nhưng các vi phạm chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo ông đâu là nguyên nhân khiến tình trạng sản xuất buôn bán hàng lậu, hàng giả vẫn có "đất sống"?
- Hà Nội với quy mô dân số lớn, kinh tế - xã hội phát triển, lại có tới 13 khu vực giáp ranh với các tỉnh, 55 khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, thị xã, chưa kể các bến xe, nhà ga... nên tình trạng sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng giả trên địa bàn diễn biến phức tạp. Đặc biệt, trong tháng 5 và 6, thời điểm chúng ta vừa kết thúc giai đoạn cách ly xã hội để chống dịch Covid-19, tình trạng bán hàng giả, hàng lậu giả nhãn mác nổi tiếng có chiều hướng gia tăng.
  Quản lý thị trường thu giữ hàng giả nhãn hiệu tại kho hàng trên phố Hoàng Cầu. Ảnh: Lê Nam
Để đối phó với lực lượng chức năng, các đối tượng vi phạm đã hình thành đường dây có tổ chức, hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như: Trong quá trình vận chuyển, các đối tượng thường trà trộn hàng lậu, hàng giả với hàng hóa có nguồn gốc. Bên cạnh đó, lợi dụng quy định thông thoáng về thành lập DN, các đối tượng thành lập nhiều DN khác nhau để lấy pháp nhân kinh doanh hàng giả, hàng lậu... Khi bị phát hiện thì bỏ trốn, gây khó khăn cho việc xử lý. Mặt khác, một bộ phận người tiêu dùng dễ dãi ham hàng rẻ nên hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn còn “đất sống”.
Trước thực trạng trên, lực lượng chức năng của TP Hà Nội đã đấu tranh, ngăn chặn như thế nào, thưa ông?
- Trong 7 tháng qua lực lượng chức năng TP Hà Nội đã tăng cường kiểm tra, trong đó tập trung vào việc kinh doanh hàng giả, hàng lậu. Điển hình, trong tháng 6, Đội QLTT số 1 (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp cùng Tổ công tác của Tổng cục QLTT kiểm tra cơ sở kinh doanh tại xóm 3 xã Tam Hưng (huyện Thanh Oai), phát hiện và tạm giữ 10.987 sản phẩm không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, có dấu hiệu là hàng lậu và giả mạo một số nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam.
Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 7 tháng năm 2020, các lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra gần 18.000 vụ, xử lý 13.496 vụ gian lận thương mại, hàng giả… Khởi tố 52 vụ. Tổng số tiền phạt hành chính, truy thu thuế, giá trị hàng tịch thu hơn 1.662,1 tỷ đồng. Kết quả đó cho thấy, chống buôn lậu, hàng giả trên địa bàn Hà Nội chưa bao giờ hết “nóng”, dù các lực lượng chức năng đã vào cuộc quyết liệt.
Trong quá trình đấu tranh ngăn chặn buôn lậu, sản xuất, buôn bán hàng giả, lực lượng chức năng đã gặp những khó khăn, bất cập như thế nào, thưa ông?
- Công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả là nhiệm vụ chung của các cấp, các ngành và của toàn xã hội. Tuy nhiên, sự quan tâm, vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và các địa phương có nơi còn thiếu đồng bộ nên chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế đặt ra.
Đặc biệt hiện một số văn bản quy phạm pháp luật về đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả thiếu đồng bộ, chồng chéo, chế tài xử lý không rõ ràng đã tạo ra kẽ hở để các đối tượng buôn lậu, giả mạo hàng hiệu lợi dụng, lực lượng chức năng lúng túng trong quá trình xử lý. Chẳng hạn quy định thời hạn tạm giữ tang vật để xác định giá trị không quá 48 tiếng là quá ngắn. Bởi một số vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp, hàng hóa vi phạm nhiều chủng loại thì 48 tiếng không đủ thời gian định giá do phải thành lập hội đồng định giá.
Hay như việc mới đây, QLTT tỉnh Bình Dương sau khi phát hiện 12 tấn chân gà có nguồn gốc xuất xứ, hết hạn sử dụng, khi áp dụng xử lý vụ việc theo Nghị định 119/2017/NĐ-CP chỉ có thể phạt hành chính trong lĩnh vực tiêu chuẩn, đo lường và chất lượng sản phẩm, hàng hóa và không thể buộc xử lý tiêu hủy. Bởi Nghị định 119/2017/NĐ-CP quy định trường hợp vi phạm chất lượng đo lường hàng hóa này không có hình thức xử phạt bổ sung buộc tiêu hủy, nếu buộc tiêu hủy là sai quy định.
Như ông đã nói, văn bản quy phạm pháp luật để đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, vậy ông có kiến nghị sửa đổi, bổ sung như thế nào?
- Kiến nghị sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính năm 2012 phù hợp hơn với tình hình thực tiễn, hạn chế những bất cập, khó khăn trong quá trình kiểm tra, xử lý vi phạm. Cụ thể bổ sung hình thức xử phạt “Tịch thu xăng dầu mua bán ngoài hệ thống phân phối” và “Sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ, nguyên liệu đã hết hạn sử dụng để sản xuất mỹ phẩm” được quy định tại Nghị định 67/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 và Nghị định 176/2013/NĐ-CP ngày 14/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, kinh doanh xăng dầu và khí.
Đối với lĩnh vực kinh doanh kho tàng, bến bãi, bổ sung các quy định về việc cấp Giấy phép hoạt động có điều kiện theo hướng tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với hoạt động kinh doanh này; Có chế tài xử lý các chủ kinh doanh nếu để kho, bến bãi trở thành nơi tập kết hàng hóa nhập lậu, hàng giả.
Xin cảm ơn ông!