Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó để nữ phạm nhân gặp chồng mà không mang thai

Thiên Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vừa qua, Bộ Công an đã công bố Dự thảo Thông tư số 46/2011/TT-BCA quy định về việc phạm nhân gặp thân nhân, gửi thư, nhận tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân.

Trong đó, Dự thảo có quy định về việc phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng không quá 24 giờ nhưng phải cam kết không được có thai. Trước vấn đề này, nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng rất khó để thực hiện.
 Ảnh minh họa
Cụ thể, tại mục 3 Điều 5 quy định: Thân nhân là vợ (hoặc chồng) của phạm nhân có đủ điều kiện được gặp phạm nhân từ 3 - 24 giờ tại phòng riêng thì phải có giấy đăng ký kết hôn hoặc giấy xác nhận của UBND hoặc Công an cấp xã xác nhận tình trạng hôn nhân thực tế. Nếu ngủ qua đêm với phạm nhân thì phải có giấy cam kết thực hiện nghiêm chỉnh nội quy nhà thăm gặp, chịu trách nhiệm quản lý, giám sát phạm nhân trong thời gian thăm gặp, không để phạm nhân vi phạm pháp luật. Đồng thời, phải thực hiện kế hoạch hóa gia đình; phòng, chống các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Phạm nhân nữ được gặp chồng tại phòng riêng phải sử dụng biện pháp tránh thai và có giấy cam kết không mang thai trong thời gian chấp hành án phạt tù.
Ông Trương Việt Toàn - Phó Chánh tòa Hình sự (TAND TP Hà Nội) cho biết, Dự thảo nêu quy định nữ phạm nhân được gặp chồng nhưng không được có thai, điều này rất khó thực hiện bởi khi vợ chồng được gặp nhau, việc quan hệ sẽ dễ dẫn đến khả năng có thai. Vì vậy, đã quy định không được có thai thì phải kèm theo các biện pháp y tế như uống thuốc tránh thai. Nhưng trên thực tế, ngay cả khi đã uống thuốc tránh thai thì khả năng mang thai vẫn có thể xảy ra.
Đồng quan điểm, luật sư Trần Hồng Phúc (Công ty Luật Nguyễn Chiến - Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, khi áp dụng trên thực tế sẽ có vướng mắc và khó khăn nhất định nên cần xem xét thấu đáo cho vấn đề này. Ngoài ra, còn phải đề cập đến những bất cập, khó khăn đối với chế độ cơ sở vật chất, y tế đầu tư như thế nào trong các trại giam để bảo đảm thi hành tốt quy định này. Bởi theo luật sư Phúc, để bảo đảm không có thai thì phải uống thuốc tránh thai nhưng có những trường hợp trên thực tế dùng thuốc mà vẫn mang thai. Đó là chưa kể những tác dụng phụ của thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe của phạm nhân nữ trong các trường hợp kháng thuốc. Như vậy, phát sinh việc lựa chọn áp dụng biện pháp tránh thai nào để bảo đảm sức khỏe cho nữ phạm nhân.
Để giúp thông tư khi đưa vào áp dụng trong thực tiễn vừa đảm bảo được quyền con người mà vẫn thể hiện được sự nghiêm minh của pháp luật, ông Toàn nêu đề xuất, trước khi ban hành Thông tư, cần đi sâu tìm hiểu các biện pháp cho phù hợp. Và mặc dù Thông tư mang tính tiến bộ nhưng quá trình thực hiện cần có lộ trình để không vấp phải những khó khăn và bất cập.
Còn luật sư Phúc thì cho rằng, trước khi ban hành Thông tư cần phải xây dựng một khung pháp lý toàn diện để khi áp dụng trên thực tế sẽ không gặp phải những khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, để tránh cho phạm nhân nữ mang thai chỉ có thể qua hình thức đề nghị họ uống thuốc tránh thai trước khi gặp trong phòng riêng với sự giám sát của cán bộ có thẩm quyền hoặc yêu cầu sử dụng các biện pháp tránh thai khác…
Có thể nói, việc đưa ra một quy định mới áp dụng có lợi cho phạm nhân nữ là đáng hoan nghênh và phù hợp với chính sách nhân đạo của pháp luật. Tuy nhiên, cần khảo sát kỹ lưỡng và đánh giá những tác động xã hội trên thực tế để khi ban hành, đi vào thực hiện sẽ đảm bảo tính khả thi.