Lãi suất huy động tăng cao đang là áp lực cho DN vì lãi suất vay cũng sẽ bị “đội” lên theo, ngay cả khi room tín dụng được nới cho các ngân hàng.
Cuộc đua lãi suất đang ở đâu?
Tại MB đã có những điều chỉnh tăng rất mạnh, với mức tăng từ 0,2 - 0,95% tùy theo từng kỳ hạn. Tại kỳ hạn 3 tháng, lãi suất tiết kiệm tăng 0,2% lên 3,8%; tại kỳ hạn 6 tháng lãi suất tiết kiệm tăng 0,43% lên 5,3%; kỳ hạn 12 tháng tăng 0,53% lên 6,1%; kỳ hạn 24 tháng tăng 0,95% lên 6,7%/năm… Đáng chú ý, lãi suất huy động cao nhất hiện thuộc về ABBank với 8,8%/năm kỳ hạn 13 tháng, tăng 0,5%/năm so với biểu lãi suất niêm yết trước đó.
Tiếp sau là SeABank với 7,85%/năm. Đây là lãi suất áp dụng cho Chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND, với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng. Ngoài ra, một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất huy động cao nhất trên 7%/năm như: SCB với 7,55%/năm; Kienlongbank với 7,3%/năm; Techcombank với 7,1%/năm...
Ngoài tặng lãi, nhiều ngân hàng khuyến khích người dân gửi tiền qua hàng loạt chương trình khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, cộng tiền... Dự báo diễn biến lãi suất những tháng cuối năm, các chuyên gia cho rằng, lãi suất huy động sẽ còn tăng do nhu cầu tín dụng hồi phục.
Thông tin từ NHNN, tới thời điểm hiện tại, tốc độ tăng trưởng tín dụng đã đạt 9,91%, đây là mức tăng trưởng rất cao so với cùng kỳ. Trong khi đó, từ 1/10, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung dài hạn sẽ phải giảm từ 37% xuống 34%, kéo theo việc các ngân hàng phải gia tăng nguồn vốn huy động dài hạn.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bổ sung thêm hạn mức tăng trưởng (room) cho các ngân hàng… Tất cả các yếu tố trên khiến lãi suất huy động của ngân hàng sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới để chuẩn bị nguồn vốn cuối năm, trung và dài hạn.
Trên thị trường liên ngân hàng, hiện sự điều hành NHNN vẫn được đánh giá là linh hoạt với nhiều động thái hút - mở cùng bán ngoại tệ liên tục. Tuy nhiên, lãi suất liên ngân hàng, cũng như các loại lãi suất trên thị trường mở đã có xu hướng tăng lên.
Gia tăng áp lực lên lãi suất cho vay
Theo các chuyên gia kinh tế, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng kỳ hạn 12 tháng hiện nay đã tiệm cận mức 8 - 9%/năm. Với lãi suất này, cộng thêm biên độ từ 3 - 4%/năm nữa thì lãi suất vay kỳ hạn 12 tháng đã ở mức hơn 11%/năm. Nếu lãi suất huy động tiếp tục tăng thì lãi suất cho vay sẽ khó tránh khỏi tăng cao hơn.
Thực tế, thời gian gần đây, lãi suất cho vay đã bắt đầu tăng. Báo cáo của FiinGroup mới đây cũng cho hay, lãi suất cho vay trên thực tế đã tăng, bình quân tăng 0,4 điểm phần trăm từ mức rất thấp trong quý I/2022.
Giám đốc một DN tại Hà Nội, chia sẻ, cuối năm ngoái công ty ông có khoản vay tại một ngân hàng cổ phần, với lãi suất 7,5%/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Đến hết kỳ hạn, khi ông hỏi vay tiếp thì nhân viên ngân hàng thông báo lãi suất cho vay đã tăng lên 9%/năm, nhưng ngay cả khi đồng ý với mức lãi suất này thì công ty cũng khó vay được.
Được biết, DN này đang vay vốn tại 3 ngân hàng, trong đó có một ngân hàng quốc doanh. Cuối quý III đầu quý IV/2021, khoản vay của công ty tại ngân hàng quốc doanh được giảm 1%/năm theo chương trình giảm lãi suất hỗ trợ DN khắc phục khó khăn của dịch Covid-19.
Lúc đó, lãi suất vay vốn ngắn hạn của công ty này được giảm xuống 6,8% tại ngân hàng quốc doanh nhưng chỉ áp dụng với gói vay mới; còn tại hai ngân hàng thương mại cổ phần còn lại từ 8 - 10%. Tuy nhiên, đến nay, gói hỗ trợ lãi suất đã hết hạn, lãi suất vay vốn lại về như trước, thậm chí cao hơn. Trong đó, khoản vay tại ngân hàng quốc doanh đã trên 8,5%/năm.
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, lãi suất cho vay chịu áp lực điều chỉnh tăng mạnh hơn trong nửa cuối năm 2022, và sang cả năm 2023 do dư địa tín dụng hạn hẹp. Lãi suất huy động đã tăng khá nhiều và sẽ còn tăng tiếp trong nửa cuối năm, cùng với thanh khoản hệ thống không dồi dào do ưu tiên ổn định tỷ giá và kiềm chế lạm phát.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, áp lực tăng lãi suất điều hành rất lớn. Lạm phát nếu kiểm soát được ở mức 4% sẽ là tiền đề thuận lợi cho triển vọng lãi suất và ngược lại.
Vẫn khó vay ngay cả khi ngân hàng nới room tín dụng
Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 6/9 cho biết, trong 2 - 3 tháng gần đây, lạm phát tăng không nhiều chủ yếu do giá xăng dầu giảm mạnh khiến giá nhiều mặt hàng giảm. Dù vậy, ông Tú cho rằng, việc điều hành lãi suất của NHNN lúc này phải được tính toán rất chặt chẽ. Bài toán đặt ra là vừa kiểm soát lạm phát vừa hỗ trợ được nền kinh tế. Do đó, chính sách tiền tệ vẫn phải điều hành hết sức linh hoạt.
“Với các NHTM, biến động tăng nhẹ lãi suất cả huy động và cho vay trong thời gian gần đây vẫn trong tầm kiểm soát, thấp nhất với các nước trong khu vực. Lãi suất cho vay bình quân hiện chỉ ở mức 7,9 - 9,3%, tức lãi suất huy động vẫn duy trì ở mức khá ổn định. Thời gian tới, để vừa khôi phục nhanh nền kinh tế, hỗ trợ các DN, vừa kiểm soát lạm phát, việc hỗ trợ các DN là một nội dung chắc chắn sẽ được đặt ra trong thời gian tới"- Phó Thống đốc NHNN nêu quan điểm.
Về room tín dụng, Thông cáo của NHNN ngày 7/9 cho biết đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các TCTD có đề nghị, và gửi thông báo đến cho những đơn vị này. NHNN không nêu rõ những ngân hàng nào được nới room tín dụng. Tuy nhiên, việc điều chỉnh room tín dụng đợt này của ngân hàng vẫn dựa trên đơn đề nghị của các NHTM, và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN.
Nhưng tiêu chí xét room của NHNN vẫn dựa trên đơn đề nghị của các NHTM và căn cứ điểm xếp hạng của NHNN. Ngoài ra, cơ quan điều hành tiền tệ sẽ ưu tiên các ngân hàng tham gia xử lý ngân hàng yếu kém hoặc quỹ tín dụng nhân dân yếu kém.
Các ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, các ngân hàng tăng trưởng tín dụng tích cực trong lĩnh vực tín dụng ưu tiên, giảm lãi suất cho vay với khách hàng… cũng là điểm cộng khi xem xét cấp thêm room tín dụng.
Như vậy, không hẳn tất cả các ngân hàng đều được nới room. Theo SSI, khả năng hạn mức bổ sung sẽ vào khoảng 3 - 5%, tùy vào tình hình sức khỏe của từng ngân hàng.
"Các ngân hàng đã đẩy tốc độ cho vay quá nhanh và giờ là lúc phải tái cơ cấu cho vay, tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh thay vì đổ vốn vào bất động sản. Riêng việc tăng lãi suất cho vay, các ngân hàng cần cân nhắc việc DN và thị trường có chấp nhận hay không, khi áp lực lạm phát vẫn cao, khó khăn trên thị trường quốc tế vẫn rất lớn." - TS Nguyễn Đức Kiên - Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ
"Lạm phát của Việt Nam là do lạm phát chi phí đẩy (chủ yếu lạm phát nhập khẩu), chứ không phải lạm phát do cầu kéo. Chính vì vậy, kiểm soát lạm phát ở Việt Nam không thể dùng chính sách tiền tệ, mà phải dùng biện pháp thuế (giảm thuế nhập khẩu để giảm giá hàng hóa). Khi giảm được lạm phát chi phí đẩy, NHNN có thể nới room tín dụng. Tôi cho rằng, tín dụng Việt Nam năm nay ở mức 15 - 16% là có thể chấp nhận được." - TS Lê Xuân Nghĩa