Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó kiểm soát rau bẩn

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kết quả phân tích các mẫu rau được trồng và bán trên địa bàn Hà Nội của Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT) Trung ương lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mức độ ô nhiễm, mất an toàn của một số loại rau xanh hiện nay.

KTĐT - Kết quả phân tích các mẫu rau được trồng và bán trên địa bàn Hà Nội của Viện Vệ sinh dịch tễ (VSDT) Trung ương lại một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về mức độ ô nhiễm, mất an toàn của một số loại rau xanh hiện nay.

Rau xanh tưới nước sông ô nhiễm

Một nhóm nghiên cứu thuộc Viện VSDT Trung ương đã lấy các mẫu rau trồng ở Hoàng Liệt (Hoàng Mai) và trên địa bàn quận Long Biên để phân tích. Theo đó, nhóm này đã lấy 96 mẫu rau trên địa bàn phường Hoàng Liệt và 118 mẫu rau trên địa bàn quận Long Biên. Kết quả cho thấy, những mẫu rau thu thập được đều ẩn chứa rất nhiều vi khuẩn coliform và các vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Đặc biệt, những vi khuẩn này có nhiều nhất trong rau muống, rau húng, kinh giới, rau dút... Theo ông Vương Tuấn Anh, Viện VSDT, trưởng nhóm nghiên cứu, việc tưới tiêu hoặc làm tươi rau với nước bị nhiễm bẩn là con đường chính khiến rau bị nhiễm các vi sinh vật lây truyền qua thực phẩm. Hàm lượng coliform trong nước tưới rau ở ruộng dùng nước thải của vùng ven đô Hà Nội thường cao hơn ở những ruộng không dùng nước thải và đều vượt quá giới hạn của Tổ chức Y tế thế giới.

Khảo sát cho thấy, trên địa bàn Hà Nội hiện còn nhiều khu vực trồng rau màu sử dụng nước từ sông Nhuệ, sông Đáy, sông Tô Lịch để tưới. Khu vực Hoàng Mai, dọc theo triền sông Nhuệ từ Hà Đông tới Phú Xuyên, người dân tận dụng triệt để mặt nước để thả rau muống, trồng các loại rau 2 bên bờ. Mặt nước sông Đáy đã trở thành vựa rau muống lớn cung cấp cho khu vực nội thành.

Sông Đáy đoạn từ cầu Mai Lĩnh (Hà Đông) tới Phú Xuyên gần như đã được lấp kín bởi các bè rau muống xanh tốt. Rau muống được trồng thành những bè, mảng lớn. Đáng lo hơn, sông Nhuệ, sông Tô Lịch đều chứa nước thải sinh hoạt, nước thải từ các làng nghề, cơ sở sản xuất. Cộng với rác thải từ khu dân cư đổ ra, nổi lều bều, gặp nắng nóng phân hủy, bốc mùi hôi thối. Chị Lan, xã Nhị Khê, Thường Tín cho biết, nhà chị thả 2 bè rau muống trên sông Tô Lịch đoạn chạy qua địa bàn xã. “Rau nhà tôi thả ở đây dăm ba năm rồi. Loại này dễ sống, sống khỏe. Ngày nào cũng có ô tô tải loại nhỏ về khu vực này đổ buôn rau muống để đưa về khu vực nội thành tiêu thụ”, chị Lan nói.

Chất độc hại tồn dư trong cây rau

Chỉ bằng cảm quan cũng có thể thấy, các loại rau, đặc biệt là rau muống được trồng, tưới bằng nguồn nước ô nhiễm như sông Nhuệ, Tô Lịch là không đảm bảo. Trong khi đó, theo quy định trong ngành nông nghiệp, mỗi vùng trồng rau cần được phân tích chất lượng nguồn nước tưới, chất lượng đất.

Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Bộ NN&PTNT) nhận định, chất lượng rau muống trồng trên sông phụ thuộc vào chất lượng của nước sông. Nếu rau chỉ bị nhiễm vi sinh thì mức độ ảnh hưởng nhẹ. Tuy nhiên, nếu nước sông bị ô nhiễm hóa chất và kim loại nặng thì vấn đề trở nên nghiêm trọng hơn nhiều. Rau muống trồng trong nước, rễ rau sẽ hút thức ăn từ nước sông đó. Nếu nước tồn dư hóa chất và kim loại nặng thì các chất ô nhiễm này sẽ xâm nhập vào tế bào mô và tồn tại trong đó. Cây rau trồng trên nước bẩn càng lâu thì mức hấp thụ chất bẩn càng lớn. Còn theo ông Trần Khắc Thi, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu rau quả, rau muống là loại có sinh khối lớn, năng suất cao. Rau này hút chất dinh dưỡng rất lớn từ đất và nước. Do vậy, về nguyên lý, nước sông có chất gì thì trong rau muống cũng sẽ có chất ấy.

Điều này lý giải vì sao trong hơn 200 mẫu rau phân tích vừa qua của Viện VSDT Trung ương, mẫu rau muống hàm lượng coliform cao hơn các loại rau khác, dù được tưới cùng một nguồn nước. Thống kê từ Chi cục Thủy lợi Hà Nội, nguồn nước tưới cho khoảng 40.000ha rau màu trên địa bàn là từ sông Nhuệ, Đáy và sông Tích, trong đó, phần lớn từ sông Nhuệ và sông Đáy. Việc trồng rau muống trên các dòng sông ô nhiễm đã tồn tại từ lâu, tuy nhiên, chưa có 1 đơn vị chuyên môn nào vào cuộc phân tích, kiểm tra để có những cảnh báo thiết thực cho người tiêu dùng.