Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khổ như ở nhà tái định cư

Vũ Cúc – Công Trình
Chia sẻ Zalo

“Chỗ ở mới phải bằng hoặc tốt hơn và điều kiện sống phải đảm bảo hơn chỗ ở cũ”, đó là chủ trương xuyên suốt của Nhà nước trong chính sách tái định cư từ nhiều năm trước và tiếp tục được khẳng định trong Nghị quyết số 08/NQ – TU của Thành ủy khóa XVI về nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Thế nhưng, chất lượng của những khu nhà tái định cư (TĐC) tại Hà Nội đang khiến những người dân đang và sẽ sinh sống ở đây không khỏi hoang mang, lo lắng.
Bài 1:  Xuống cấp từ cũ đến mới
Tường nhà ẩm mốc, bong tróc, nhà tầng trên tắm, tầng dưới đem chậu ra… hứng nước; khi trời mưa trong nhà cũng như ngoài đường… là thực trạng của nhiều khu nhà TĐC ở Hà Nội. Thậm chí, tình trạng xuống cấp còn diễn ra ở cả những căn hộ chưa được người dân sử dụng.
Tát nước trên lưng chừng trời
Nhà TĐC N3B Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân được đưa vào sử dụng từ năm 2008. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn nhiều hạng mục của tòa nhà đã đồng loạt xuống cấp. Trong đó, hạng mục xuống cấp nhiều nhất chính là tường, trần và sàn nhà. Tại đây, nhiều căn hộ luôn trong tình trạng bị thấm dột, khiến tường nhà bong tróc, ẩm mốc… Hộ gia đình ông Ninh Đức Từ, phòng 407 là một ví dụ điển hình. Với căn hộ, từ phòng tắm, phòng bếp đến phòng ngủ...  lớp trát tường đều bị sùi lên do thấm nước lâu ngày. “Nhà có người già, trẻ nhỏ nhưng không khí luôn ngột ngạt vì ẩm thấp, ổ điện nằm trong những bức tường ẩm này nên mỗi khi sử dụng đều thấy lo sợ” – ông Từ chia sẻ. Tình trạng trên không chỉ diễn ra tại nhà N3B mà còn diễn ra ở rất nhiều các tòa nhà TĐC. Ông Dương Sáng Sơn, phòng 1004, tòa nhà B10C, khu TĐC Nam Trung Yên cho biết, ở khu TĐC này đã có trường hợp phòng 302 tắm, phòng 202 ở tầng dưới phải mang chậu ra... hứng nước.

Tường mốc, ẩm, bong tróc cùng hệ thống nước thải tại một tòa nhà tái định cư, Khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính. Ảnh: Công Trình

Thế nhưng, theo ghi nhận của chúng tôi, việc mang chậu ra để hứng nước đã là niềm “hạnh phúc”. Bởi, tại một số căn hộ, mỗi khi trời mưa ở trong nhà cũng chẳng khác gì ngoài trời. Điển hình như tầng 15, tòa nhà A2, khu TĐC Đền Lừ. Bà Nguyễn Thị Chính chủ căn hộ 1513 chia sẻ, cơn bão số 1 vừa qua, tại các căn hộ, thang máy ở tầng này đều ngập nước mưa. Nguyên nhân là do nước mưa hắt qua hệ thống cửa sổ kính, không có ô văng che chắn. Tình trạng trên cũng diễn ra tương tự tại nhiều căn hộ ở tầng 2 tòa nhà N5C khu TĐC Trung Hòa – Nhân Chính.
Ngoài ra, tình trạng lún nứt tường, nền nhà làm hỏng hệ thống ống nước thải cũng đã xảy ra với rất nhiều tòa nhà TĐC. Tại Nhà A3 Đền Lừ việc lún nền tầng 1 gây vỡ và ùn ứ nước thải trong nhiều ngày gây ô nhiễm nghiêm trọng. Tương tự tại nhà N5 khu Đồng Tàu người dân đã phải tự làm một chiếc giếng để chứa nước thải thoát ra từ những đường ống vỡ do tường nứt gãy. Tuy nhiên vào đêm 12/8, một khoảng sàn khoảng gần 20m2 tại tầng 1 tòa nhà bị sập xuống. Sự cố tuy không gây thiệt hại về người nhưng đã khiến hệ thống đường ống dẫn nước của các hộ dân, các ống nước ở dưới sàn nhà bị dập gãy.
Chưa có người ở cũng xuống cấp
Thực tế cho thấy, trước sự xuống cấp của những căn hộ TĐC, Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội đã nhiều lần tiến hành sửa chữa, khắc phục, nhưng, do chất lượng của các khu nhà TĐC quá thấp nên việc sửa chữa, khắc phục đó chỉ như muối bỏ bể. Chị Phạm Thị Mai sống tại căn hộ 403, nhà N4, khu TĐC Đồng Tàu cho biết, tòa nhà đã xây xong được 10 năm, với tổng 64 căn hộ nhưng mới có 32 hộ về sinh sống do chất lượng căn hộ rất thấp. Nhiều căn hộ đã bị thấm dột ngay khi chưa có người sử dụng. “Khi nhà tôi dọn về đã phải bỏ ra gần 300 triệu đồng để cải tạo nhà mới vào ở được. Vợ chồng trẻ, thu nhập thấp nên đành chọn khu nhà TĐC để mua, nhưng ai ngờ mua xong lại tốn quá nhiều tiền cải tạo” – chị Mai than thở.
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Trần Thắng – Trưởng phòng quản lý nhà xã hội – TĐC, Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội cho biết, với những tòa nhà TĐC, các căn hộ thường có thời gian bảo hành ngắn và thời gian sẽ được tính từ khi chủ đầu tư tiến hành bàn giao tòa nhà cho đơn vị quản lý. Tuy nhiên, với tòa nhà N4, Đồng Tàu mà phóng viên khảo sát, có 9 tầng với 64 căn hộ và đến tháng 9/2016 tòa nhà đã hết thời hạn bảo hành. Như vậy còn đến một nửa số căn khi dân về ở sẽ không còn nhận được chế độ bảo hành của chủ đầu tư. “Việc quản lý, vận hành các tòa nhà TĐC được thực hiện sau khi được các chủ đầu tư bàn giao, vì vậy chất lượng cửa kém, xuống cấp của các tòa nhà sau thời gian ngắn bàn giao khiến chúng tôi cũng rất bức xúc” – ông Thắng chia sẻ.
Như cách giải thích của ông Thắng, những hộ dân nào chuyển về sau thời gian bảo hành ngắn ngủi của chủ đầu tư nếu có hỏng hóc, xuống cấp thì phải tự bỏ kinh phí sửa chữa. Chính những bất cập này đã lý giải phần nào tại sao ngày càng nhiều người ái ngại với nhà TĐC.
(Còn nữa)