Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khổ như sĩ tử thời nay!

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Những khuôn mặt sĩ tử đầy căng thẳng. Những ánh nhìn đầy lo lắng của phụ huynh dõi theo con nơi góc sân trường.

KTĐT - Những khuôn mặt sĩ tử đầy căng thẳng. Những ánh nhìn đầy lo lắng của phụ huynh dõi theo con nơi góc sân trường. Và dù chảo lửa Hà Nội đã có lúc lên trên 40 độ C, dù có phụ huynh ở Học viện Tài chính đã bị ngất đi vì nắng nóng thì khắp các lề đường hè phố khu vực cổng các điểm thi, các bậc phụ huynh vẫn kiên nhẫn ngồi đợi con.

Mỗi độ tháng 7, từ khắp các vùng quê xa xôi nghèo khó đến trung tâm thành thị, thi đại học luôn là một chủ đề nóng bỏng và là mối quan tâm lớn của toàn xã hội. Các thành phố lớn tràn ngập các sĩ tử. Trên khắp các ngả đường, các ngõ ngách của Hà thành hay Sài thành, người ta đều có thể bắt gặp các thí sinh khăn gói đi thi.

1. Và vì đông nên nhốn nháo. Các nhà trọ được dịp tha hồ chặt chém. Dịch vụ trà nước ăn theo. Chỉ mùa thi mới có chuyện một chiếc ghế nhựa được cho thuê tới 15.000 đồng, một cốc trà đá loãng lòe có giá 5.000 đồng hay chiếc quạt giấy được bán 8.000 đồng, một bát phở lều phều vài miếng thịt mỏng dính 30.000 đồng.

Trong khi đó, để lo kinh phí lai kinh, không ít gia đình nông dân đã phải bán bò bán lợn, vay mượn xóm giềng. Nhưng áp lực lớn hơn cả là sự căng thẳng tinh thần. Với hầu hết sĩ tử, đây là kỳ thi có tính chất bước ngoặt đầu tiên và lớn nhất trong cuộc đời, là thành bại sau 12 năm miệt mài đèn sách. Và vì là một kỳ thi bước ngoặt nên khó khăn đến mấy, ốm cũng phải đi. Thế nên mới có chuyện một sĩ tử của ĐH Thương mại đã phải đến điểm thi bằng xe lăn vì vết thương trước đó vẫn chưa lành. Một thí sinh khác của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn phải nhờ người dìu vào phòng thi vì mới bị ngã gãy chân...

Những khuôn mặt sĩ tử đầy căng thẳng. Những ánh nhìn đầy lo lắng của phụ huynh dõi theo con nơi góc sân trường. Và dù chảo lửa Hà Nội đã có lúc lên trên 40 độ C, dù có phụ huynh ở Học viện Tài chính đã bị ngất đi vì nắng nóng thì khắp các lề đường hè phố khu vực cổng các điểm thi, các bậc phụ huynh vẫn kiên nhẫn ngồi đợi con. Hình ảnh những ông bố mồ hôi nhễ nhại hay những bà mẹ ngả lưng tạm trên vỉa hè là không hiếm gặp trong những ngày qua.

Chờ đợi và mong ngóng. Và ngay khi thí sinh đầu tiên bước khỏi cổng trường, các bác, các mẹ lại xúm lại: “Có làm được không con? Đề dễ hay khó?” Hỏi đề rồi lại lo lắng hơn nếu em đó than đề thi khó lắm, hay thở phào nhẹ nhõm nếu em đó làm được bài mà quên mất rằng, đề dễ hay khó còn tùy vào sức học mỗi người...

Và bữa trưa đạm bạc bằng cơm nắm chấm muối bên bờ hồ Ngọc Khánh như mẹ con thí sinh ĐH Luật hay vật vờ trong sân trường, bên lề đường giữa cái nắng nóng hơn 40 độ C của Hà Nội như các thí sinh của ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn. Nói như thầy Phạm Ngọc Quý, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi, kỳ thi tuyển sinh làm cho cả xã hội phải gồng mình, lên gân cốt, cả nước xáo động mỗi độ mùa thi về, các ông bố bà mẹ rạc người vì những đêm dài mất ngủ hay những thí sinh hạ đường huyết vì căng thẳng.

2. Nhưng sau bao nhiêu vất vả ấy, bao nhiêu sĩ tử trong đó sẽ vượt vũ môn thành công? Có những ông bố, bà mẹ đã giấu vội ánh mắt buồn khi biết con làm bài không tốt để động viên con cố gắng những môn thi còn lại. Có những khuôn mặt thí sinh tái mét lo âu khi bài làm không như mong muốn. Có những giọt nước mắt đã chực trào ra dưới làn mi.

Cứ sau mỗi mùa thi, với số liệu tổng hợp trong tay, ông Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin của Bộ Giáo dục Đại học lại ngồi thống kê lại số lượng thí sinh theo từng ngưỡng điểm, để rồi lại thấy buồn. 8 năm phân tích dữ liệu tuyển sinh, ông Ngọc cho biết, ông rất buồn khi mỗi năm có tới hàng nghìn thí sinh thi đại học nhưng tổng điểm ba môn không nổi một điểm. Rất nhiều địa phương, phổ điểm lệch hẳn về phía 3, 4 điểm. “Điều đó chứng tỏ một bộ phận không nhỏ học sinh học ba năm trung học phổ thông là “ngồi nhầm chỗ”, vì năng lực các em quá yếu. Và việc đổ xô đi thi đại học là một sự lãng phí quá lớn”, ông Ngọc chia sẻ.

Sự lãng phí ấy không chỉ về vật chất mà cả về tinh thần, lãng phí những lo toan, những áp lực, những căng thẳng mà cả thí sinh và phụ huynh phải đương đầu. Trong khi đó, mỗi năm, các trường nghề lại phải đôn đáo ngược xuôi với rất nhiều chiêu tiếp thị cũng không tuyển nổi thí sinh cho đủ chỉ tiêu vì học sinh không mặn mà. Biết bao giờ những cảnh “lều chõng” thời hiện đại này mới qua đi?