Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó như vay vốn ưu đãi lãi suất 6%

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đến thời điểm này, đã có những cái "bắt tay" giữa ngân hàng - doanh nghiệp (DN) bất động sản để việc thế chấp vốn vay bằng chính căn hộ đang mua được chấp thuận.

 
Bài 3:  Để vốn chảy đúng chỗ

Những người mua nhà ở các dự án liên kết với ngân hàng sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn lãi suất 6%. Tuy nhiên, với những dự án nằm ngoài danh mục này, để ngân hàng nhận căn hộ hình thành trong tương lai là tài sản thế chấp vẫn còn lắm gian nan. Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài giám sát, tránh chuyện người làm nhà và bên cấp vốn thông đồng với nhau.

Từ những cái bắt tay

Mới đây, Agribank đã tổ chức ký kết thỏa thuận nguyên tắc tài trợ dự án với 10 DN cho vay hỗ trợ nhà ở từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) theo Thông tư số 11 và Thông tư 07. Trên cơ sở hợp đồng nguyên tắc, Agribank sẽ hỗ trợ khách hàng hoàn chỉnh hồ sơ để ngân hàng thẩm định cho vay theo quy định. Hai bên thống nhất chỉ ký hợp đồng tín dụng sau khi dự án nhà ở xã hội đã đủ các điều kiện vay vốn và được Agribank thẩm định là có hiệu quả theo quy định, được NHNN thông báo về nguồn tái cấp vốn đối với từng khách hàng và dự án.

Khó như vay vốn ưu đãi lãi suất 6% - Ảnh 1

Người mua nhà ở các dự án liên kết với ngân hàng sẽ có thêm nhiều cơ hội tiếp cận vốn lãi suất thấp.  Trong ảnh: Khu đô thị Việt Hưng.Ảnh: Đức Giang

Sau Agribank, BIDV đã tiếp cận với các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn 2 TP lớn là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Các địa phương, đặc biệt là 2 TP Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cũng đang tích cực triển khai phê duyệt các dự án nhà ở xã hội, nhà ở chuyển đổi công năng sang nhà ở xã hội, tổ chức khởi công các dự án nhà ở xã hội để tạo điều kiện cho các DN tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ này. Như vậy, những cái "bắt tay" đầu tiên của các ngân hàng và DN đã khiến cơ hội vay vốn tại những dự án trên của khách hàng không có tài sản thế chấp rõ ràng hơn. Tuy nhiên, với những người mua nhà ở xã hội và nhà ở thương mại, ngoài các dự án được ưu đãi vốn vẫn là câu chuyện cần phải bàn.

Sáng 11/6, tham khảo thủ tục vay vốn lãi suất 6% tại Agribank Chi nhánh Hà Thành, chúng tôi được biết, chi nhánh này đã ký liên kết với Tổng Công ty HUD. Về chủ trương là vậy, nhưng, văn bản hướng dẫn triển khai cụ thể vẫn chưa có. Hiện, đa số các chi nhánh đều chưa có hướng dẫn cụ thể về việc làm thế nào để chấp nhận tài sản thế chấp là căn hộ khách hàng đang mua.

Đến chuyện giám sát để vốn chảy đúng chỗ

Trong khi các ngân hàng đang rục rịch tìm kiếm và ký kết với các dự án bất động sản thuộc diện được vay vốn lãi suất 6% thì nhiều ý kiến lại lo ngại về việc vốn chảy không đúng chỗ hay chảy vào các dự án thân quen. "Thấy các ngân hàng bắt đầu ký kết cũng mừng nhưng vẫn lo. Nhà tôi mua dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 nhưng không biết xin bảo lãnh vay vốn từ chủ đầu tư có khó không. Hay chỉ những DN nào có mối liên hệ với ngân hàng thì mới mong được nhận làm tài sản thế chấp"- chị Nguyễn Mai Hoa, một khách hàng của Dự án Kim Văn - Kim Lũ (Hoàng Mai) cho biết.

Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm thừa nhận, đúng là cũng nên cân nhắc chuyện một người làm nhà và một bên cấp vốn thông đồng cùng nhau. "Thực ra thì bất kỳ trường hợp nào cũng có lợi ích nhóm, do vậy cần phải tìm chế tài để hạn chế"- ông Cao Sỹ Kiêm nói.

Nhiều chuyên gia cho rằng, mục đích của gói 30.000 tỷ đồng là để giúp những người khó khăn có nhu cầu thực sự về nhà ở mua nhà, chứ không phải dùng tiền đó để cứu các dự án tồn kho của ngân hàng. Tuy nhiên, làm sao để vốn không chảy vào "sân sau" hay vào những dự án mà chính ngân hàng rót vốn vào đó thì lại rất khó kiểm soát. "Phải hy vọng vào đạo đức của cán bộ ngân hàng thôi. Nếu ngân hàng dùng gói này rót vốn cho "sân sau", cho các dự án liên kết, cho người thân quen, để các cán bộ tín dụng móc ngoặc cho vay là vi phạm quy định của pháp luật. Và sẽ có pháp luật can thiệp. Bên cạnh đó, cần có sự kiểm soát nghiêm túc của NHNN. Khi đưa ra những gói tín dụng này, cần phải kiểm soát hành vi của cán bộ tín dụng"- một chuyên gia nói.Phía NHNN cho rằng, khâu giám sát hồ sơ vay của ngân hàng xác định phải rất chặt chẽ, nhưng một mình ngân hàng không đủ, để làm được điều đó, cần sự vào cuộc của cả hệ thống. Về đối tượng cho vay, Bộ Xây dựng đã có quy định rất rõ. Điều này đòi hỏi trách nhiệm cao của chính quyền, UBND xã, phường nơi đóng dấu xác nhận. Việc giám sát khoản vay sẽ có cả công tác thanh kiểm tra báo cáo doanh số cho vay, sẽ có báo cáo hàng tháng về doanh số của các ngân hàng.