Lo chồng lấn sóng
Theo kế hoạch của Đề án Số hóa truyền hình, 4 TP là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cùng với Đà Nẵng và Hải Phòng sẽ thực hiện tắt sóng analog trước ngày 31/12/2015. Tuy nhiên, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đề nghị được ngừng phát sóng truyền hình analog cùng với các tỉnh lân cận thuộc nhóm 2 (trước ngày 31/12/2016). Riêng Cần Thơ xin lùi thời hạn tắt sóng analog cùng với nhóm 3 (trước ngày 31/12/2018). Theo giải thích của các địa phương, việc lùi thời hạn tắt sóng analog này liên quan đến khả năng sẽ bị chồng lấn sóng truyền hình analog và số tại 5 tỉnh, TP triển khai số hóa trong giai đoạn 1 với các tỉnh lân cận. Việc chồng lấn sóng sẽ ảnh hưởng đến việc khai thác thương mại của các đài truyền hình đã dừng phát sóng analog.
Ông Trần Quang Hưng - Phó Giám đốc Trung tâm Truyền dẫn Phát sóng của VTV cũng khẳng định, nếu 5 tỉnh, TP thuộc nhóm 1 dừng sóng truyền hình analog, các tỉnh lân cận vẫn phát sóng analog, chắc chắn sẽ xảy ra chồng lấn sóng tràn vào các tỉnh, TP này. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Phan Lan Tú - Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cũng bày tỏ lo ngại: "Việc tắt sóng analog sớm sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới công tác tuyên truyền của Thủ đô tới các tỉnh, chưa kể tác động tới hoạt động kinh doanh của Đài PT - TH Hà Nội".
Hà Nội và các địa phương khác vẫn đang chờ văn bản trả lời của Bộ TT&TT, tuy nhiên, thông tin từ phía Sở TT&TT Hà Nội cho biết, đến nay, Bộ vẫn chưa có kết luận gì về vấn đề này. Trước đó, ông Đoàn Quang Hoan - Cục trưởng Cục Tần số Vô tuyến điện cho biết, để thay đổi kế hoạch của Đề án Số hóa truyền hình cần phải có nghiên cứu và đánh giá kỹ về tác động của việc chồng lấn sóng.
Nỗ lực giúp hộ nghèo tiếp cận truyền hình số
Dù chưa rõ Bộ TT&TT có chấp thuận đề xuất lùi thời gian, thống nhất ngắt sóng analog chuyển sang công nghệ số vào cùng một thời điểm hay không, nhưng Hà Nội vẫn đang nỗ lực để thực hiện lộ trình của Đề án Số hóa truyền hình đã được duyệt.
Cuối tuần qua, Ban Chỉ đạo triển khai Đề án Số hóa truyền dẫn, phát sóng truyền hình mặt đất của Hà Nội đã ban hành Kế hoạch Điều tra hiện trạng phương thức thu, xem truyền hình của các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn TP Hà Nội làm căn cứ để có phương án hỗ trợ đầu thu truyền hình số cho các hộ gia đình.
Trước đó, Sở TT&TT Hà Nội phối hợp với Truyền hình An Viên (AVG) đã tổ chức lễ trao tặng đầu thu truyền hình kỹ thuật số cho 30 người dân đại diện cho các hộ gia đình khó khăn của quận Cầu Giấy. Sau đợt này, AVG vẫn đang tiếp tục tổ chức trao tặng tổng cộng 50.000 đầu thu truyền hình kỹ thuật số mặt đất cho các hộ nghèo, cận nghèo và hộ gia đình chính sách trên toàn TP, tặng miễn phí 600.000 bộ thiết bị thu kỹ thuật số thu các kênh truyền hình trả tiền với mức giá thuê bao ưu đãi để tạo điều kiện cho người dân Hà Nội làm quen với truyền hình số.
Chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Tiến Sỹ - Trưởng phòng Bưu chính & Viễn thông, Sở TT&TT Hà Nội cho biết, trong số 30 hộ được trao tặng đầu thu vừa qua có 3 trường hợp… không có tivi. Chính vì thế, cuộc điều tra lần này sẽ phải xác định rõ phương thức thu xem truyền hình của các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách hiện nay để TP có phương án hỗ trợ phù hợp. Trong khi T.Ư chỉ yêu cầu điều tra các hộ nghèo, cận nghèo thì Hà Nội chủ trương điều tra mở rộng thêm đối tượng là gia đình chính sách để sau đó có thể có chính sách hỗ trợ đặc thù. Đây được xem là quyết tâm cao của TP trong việc giúp mọi người dân trên địa bàn được tiếp cận truyền hình số.
Công nghệ số hóa dần chiếm lĩnh thị trường truyền hình trả tiền hiện nay. Ảnh: Nguyễn Ngọc
|
Từ ngày 5 - 30/11, Hà Nội sẽ điều tra trên 200.000 hộ gia đình, trong số này có khoảng 45.700 hộ nghèo, 43.700 hộ cận nghèo và hơn 112.500 hộ chính sách. Sở TT&TT Hà Nội ký hợp đồng hỗ trợ thực hiện điều tra với UBND các quận, huyện, thị xã. |