Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó thi hành án cho các tổ chức tín dụng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại Hà Nội, việc thi hành án dân sự (THADS) liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng gặp không ít khó khăn.

Nhiều vụ việc do hồ sơ thế chấp không chặt chẽ, không thẩm định kỹ tài sản nên khi các đối tượng cố tình chống đối, không tự nguyện THA thì khó cho việc cưỡng chế thu hồi tiền.

Phải thẩm định chặt chẽ tài sản thế chấp

Theo Cục THADS TP Hà Nội, 6 tháng đầu năm 2016, các cơ quan THADS thi hành cho 51 tổ chức tín dụng (TCTD). Trong đó, tổng số việc phải thi hành là 2.097 (chiếm tỷ lệ 7,2% trên tổng số việc toàn TP); về tiền là hơn 8.707 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 72% trên tổng số tiền phải thi hành toàn TP). Trong số các việc đã thu tiền cho các TCTD, có những vụ thu được giá trị lớn như thi hành Bản án số 11/KDTM-ST ngày 24/6/2014 của TAND quận Đống Đa do Chi cục THADS quận Đống Đa thi hành, đã thu cho Ngân hàng TMCP Hàng hải số tiền hơn 21 tỷ đồng.
Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tổ chức cưỡng chế thi hành án tại số nhà 63 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Hồng Thái
Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội tổ chức cưỡng chế thi hành án tại số nhà 63 Bùi Thị Xuân, quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Hồng Thái
Tuy nhiên, việc THADS liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng trên địa bàn Hà Nội gặp không ít khó khăn. Nhiều bản án, quyết định của tòa án tuyên không rõ, khó thi hành, có sai sót, cơ quan THADS có văn bản đề nghị giải thích, yêu cầu sửa đổi bổ sung nhưng tòa án chậm trả lời, gây ảnh hưởng đến tiến độ giải quyết hồ sơ và có việc gây bức xúc cho đương sự. Bên cạnh đó, hồ sơ thế chấp không chặt chẽ, không thẩm định kỹ khi nhận thế chấp. Tài sản thế chấp là ô tô, máy móc, thiết bị nhưng đại đa số các vụ việc không xác định được tài sản thế chấp ở đâu để kê biên, xử lý. TCTD không cung cấp được các động sản này ở địa chỉ cụ thể nào, tài sản vẫn do các tổ chức hoặc cá nhân thế chấp giữ, họ không giao nộp tài sản để kê biên, xử lý hoặc đã tẩu tán nhưng không có chế tài để xử lý…

Để kịp thời thi hành án các vụ việc liên quan đến các TCTD, ngân hàng, lãnh đạo Cục THADS TP Hà Nội đề xuất, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hà Nội, Cục Thanh tra giám sát ngân hàng TP Hà Nội chỉ đạo các TCTD phải thẩm định chặt chẽ các tài sản thế chấp đảm bảo cho các khoản vay không bị rơi vào các tình huống không xử lý được hoặc khó xử lý đối với tài sản thế chấp. Đồng thời, các TCTD phối hợp chặt chẽ, kịp thời với các cơ quan THADS trong tổ chức thi hành án.

Tập trung giải quyết các vụ việc trọng điểm

Theo ông Dương Minh Công - Phó Cục trưởng Cục THADS TP Hà Nội, thực hiện kế hoạch của Cục THADS TP Hà Nội về tổ chức 2 đợt thi đua THADS cao điểm năm 2016, từ ngày 1/7 đến hết ngày 30/9, đơn vị bảo đảm thi hành xong đạt trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số việc và tiền có điều kiện thi hành theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật THADS; giảm ít nhất 5 - 6% số việc và 2 - 3% số tiền có điều kiện thi hành chuyển sang năm 2017 so với số chuyển kỳ sau của năm 2015 chuyển sang năm 2016 trên số có điều kiện thi hành.

Cục THADS TP Hà Nội và các Chi cục THADS trực thuộc, đặc biệt là các chấp hành viên phải xác định từ nay đến hết ngày 30/9 tập trung mọi nguồn lực tổ chức thi hành án, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS năm 2016. Các cơ quan THADS toàn TP bằng mọi giải pháp thi hành xong trên 70% về việc và trên 30% về tiền trên tổng số án có điều kiện thi hành. Đồng thời, tập trung chỉ đạo thi hành, phấn đấu nâng cao hơn nữa tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước trong các vụ án tham nhũng; tập trung chỉ đạo giải quyết các vụ việc trọng điểm, phức tạp kéo dài, các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, vụ việc có giá trị phải thi hành lớn. Qua đó nâng cao hiệu quả thi hành án, nhất là kết quả thi hành về tiền.