Giá điện bất ngờ tăng trong bối cảnh người dân, DN còn khó khăn bộn bề, dù Bộ Công Thương đưa ra hàng loạt lý do trấn an: Rằng giá điện tăng ảnh hưởng không đáng kể lên chỉ số tiêu dùng (CPI), rằng chỉ tác động tới người sử dụng nhiều trên 100KW… nhưng vẫn là những lý do thiếu thuyết phục.
Kinh doanh có lãi nhưng vẫn tăng giá điện. Tại sao lại tăng giá điện trong bối cảnh tổng cộng hoạt động sản xuất, kinh doanh năm 2016 của Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN lãi 2.658,20 tỷ đồng (riêng hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2016 lỗ 593,46 tỷ đồng). Giải thích việc này, phía EVN giải thích, trong kinh doanh điện lỗ nhưng có lãi chung là nhờ các hoạt động kinh doanh tài chính khác. Ai cũng biết, kinh doanh lỗ thì phải tăng giá bán. Song, một DN bình thường cũng biết tiết giảm chi phí, thêm bớt một cách chi li, sân siu khoản kinh doanh này bù cho khoản kia cốt sao có được mức giá tốt nhất cho thị trường để có thể cạnh tranh với nhiều đối thủ. Trong khi EVN thuộc DN Nhà nước lại rạch ròi khoản nào đi khoản ấy. Tuy nhiên, nghĩ cho cùng thì khoản kinh doanh nào chả thuộc tiền Nhà nước, tiền từ ngân sách có đóng góp thuế của người dân. Vậy tại sao dân không được hưởng?Một lý lẽ khác được đưa ra trong lần này cũng khó thuyết phục khi giải thích sau 2 năm 9 tháng, giá điện không có sự điều chỉnh. Không lẽ cứ phải tăng giá mới là đúng? Nếu theo thị trường thì đã có tăng, có giảm. Lý do tăng giá điện không thuyết phục đã đành. Ngay cả cách tính giá điện cũng đặt ra nhiều câu hỏi. Cách giải thích của Bộ Công Thương cũng rất khó hiểu rằng “tài liệu về phương án giá điện hiện vẫn nằm trong diện tài liệu bí mật”. Không chỉ người dân, DN mà các tổ chức như Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam - VCCI đều yêu cầu việc kiểm tra giá thành sản xuất điện cần minh bạch hơn. Nếu quyết định tăng giá cần có cả sự tham gia của bên mua điện.Tại các cuộc họp từ đầu năm, EVN đều khẳng định chưa xem xét tăng giá điện, nhưng với việc giá điện tăng “bất thình lình” như vậy khiến phần lớn DN không lường trước được các chi phí liên quan. Điều đó chắc chắn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người dân và DN, sẽ ảnh hưởng đến mức giá nhiều mặt hàng mặt hàng đòi hỏi những giải pháp không chỉ bảo đảm cho bài toán tài chính của ngành điện mà phải rộng hơn là cả nền kinh tế, chia sẻ với các ngành kinh tế khác.Từ trước đến nay, mỗi lần EVN tăng giá điện đều gặp phải sự phản ứng của dư luận. Việc vận hành thị trường điện cạnh tranh vì thế rất cần được triển khai quyết liệt theo đúng chiến lược đề ra, thậm chí nếu được cần đẩy nhanh hơn. Chỉ có xóa độc quyền để đến khi phải cạnh tranh, các vấn đề như lãng phí, quản lý kém, trăm dâu đổ đầu người tiêu dùng... mới có thể hạn chế, đồng thời giúp nâng cao hiệu quả kinh doanh mặt hàng đặc biệt này.