Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khó tiếp cận hỗ trợ cơ giới hóa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tiếp sức cho chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển nông nghiệp hàng hóa, TP Hà Nội đã có chính sách hỗ trợ ứng dụng cơ giới hóa (CGH) vào sản xuất nông nghiệp.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều địa phương, việc tiếp cận chính sách vẫn còn nhiều vướng mắc.

Còn nhiều vướng mắc

Có thể nói, Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND ngày 6/7/2012 của UBND TP Hà Nội về thí điểm một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng nông thôn giai đoạn 2012 - 2016 được coi là động lực giúp các địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới. Mặc dù vậy, trong quá trình triển khai vẫn còn những vướng mắc nhất định. Theo ông Phương Văn Liểu - Chủ tịch UBND xã Tản Hồng, huyện Ba Vì, Quyết định số 16 có nội dung hỗ trợ mua sắm các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp nhưng địa phương chưa được hướng dẫn cụ thể. Do đó, các tổ chức cũng như hộ gia đình muốn tiếp cận nguồn vốn nhằm nâng cao tỷ lệ CGH trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn rất khó khăn.
Giới thiệu kỹ thuật mạ khay, máy cấy cho các huyện ngoại thành. Ảnh: Quang Thiện
Giới thiệu kỹ thuật mạ khay, máy cấy cho các huyện ngoại thành. Ảnh: Quang Thiện
Ông Nguyễn Văn Nguyệt - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn cũng cho rằng, cơ chế, chính sách của TP hỗ trợ CGH nhằm khắc phục lối sản xuất manh mún, nhỏ lẻ còn nhiều rào cản, chưa sát với thực tiễn. Cụ thể, ngân sách TP hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn tín dụng để mua máy móc theo mức lãi suất của Ngân hàng NN&PTNT tại thời điểm ký hợp đồng tín dụng vay vốn, thời hạn tối đa là 3 năm, mức vốn vay tối đa được hỗ trợ lãi suất 100% giá trị sản phẩm. Thế nhưng, khi bắt tay vào vay vốn, người dân mới thấy thủ tục để tiếp cận vốn vay vô cùng phức tạp. "Vấn đề này dù đã được kiến nghị rất nhiều, song việc chậm sửa đổi đang làm giảm hiệu quả của chính sách hỗ trợ của TP đối với việc mua máy móc" - ông Nguyệt bày tỏ.
Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn TP hiện có hơn 5.300 máy làm đất, 475 máy gặt đập liên hợp, 171 máy cấy, 781 máy phun thuốc bảo vệ thực vật. Tỷ lệ CGH trong khâu làm đất đạt trên 75%, trong vắt sữa bò đạt trên 42%...

Tương tự, tại huyện Chương Mỹ, qua triển khai Quyết định 16 trong thực tế cũng cho thấy kết quả rất hạn chế, thủ tục còn rườm rà. Trong 2 năm 2012 - 2013, toàn huyện mới có 10 hộ dân mua máy móc đề nghị hỗ trợ lãi suất nhưng đến nay chưa được giải quyết. Theo lãnh đạo Sở Tài chính, năm 2013, ngân sách TP bố trí 6,5 tỷ đồng hỗ trợ lãi suất mua thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng chỉ thực hiện được gần 4 tỷ đồng. Điều này chứng tỏ còn nhiều vướng mắc trong thực hiện, cụ thể là về cơ chế bảo lãnh, thủ tục vay vốn…

Thay đổi phương thức hỗ trợ

Tính đến nay, toàn TP đã dồn điền đổi thửa được hơn 97% diện tích, bước đầu hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung theo quy mô cánh đồng mẫu lớn. Nếu như nói dồn điền đổi thửa là cuộc cách mạng ruộng đất hiện nay, thì việc ứng dụng CGH vào sản xuất chính là giải pháp để thay đổi phương thức sản xuất truyền thống, tiến tới nền nông nghiệp hiện đại. Chính vì vậy, việc tháo gỡ khó khăn trong cơ chế tiếp cận chính sách hỗ trợ ứng dụng CGH cho người nông dân là việc làm cần thiết hiện nay.

Theo ông Trần Hữu Thước - Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên, TP nên thay đổi cơ chế hỗ trợ thực hiện CGH nông nghiệp theo Quyết định số 16 bằng phương thức hỗ trợ trực tiếp và giảm bớt các thủ tục hành chính. Đồng thời sớm có hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị quyết số 25/2013/NQ-HĐND ngày 4/12/2013 của HĐND TP về chính sách khuyến khích phát triển vùng sản xuất nông nghiệp chuyên canh tập trung TP Hà Nội giai đoạn 2014 - 2020. Đồng tình với quan điểm này, lãnh đạo huyện Chương Mỹ cũng đề nghị TP nghiên cứu hỗ trợ trực tiếp từ 30 - 40% giá trị chiếc máy, tạo điều kiện thuận lợi cho nông dân đầu tư mua máy móc CGH nông nghiệp.

Thực tế, trong khi chờ tháo gỡ cơ chế, một số địa phương đã có chính sách hỗ trợ thêm cho các HTX và người nông dân mua máy móc ứng dụng CGH vào sản xuất. Đơn cử như huyện Phú Xuyên, từ năm 2012 đến nay hỗ trợ 5,1 tỷ đồng cho mô hình mạ khay, máy cấy. Huyện Thanh Oai hỗ trợ 50% giá trị máy cấy, máy làm đất và tập trung hỗ trợ cho HTX nông nghiệp có dịch vụ làm đất và mạ khay, máy cấy. Trong năm 2014, huyện đã hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp hơn 2,5 tỷ đồng thực hiện CGH trong nông nghiệp...