KTĐT - Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp cuối năm, nhu cầu sử dụng tiền lẻ của người dân không ngừng tăng lên. Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã cho in thêm tiền mệnh giá nhỏ song tình trạng khan hiếm vẫn xảy ra, khiến không ít người phải đổi tiền lẻ từ “chợ đen”…
Tiền lẻ ngày càng khan hiếm |
Loại gì cũng có
Cầm trên tay cọc tiền 1 triệu mệnh giá 500 đồng, chị Nguyễn Thị Lâm Mai, ở phố Láng Hạ, quận Đống Đa mặt méo xệch: “Gia đình tôi hay đi lễ chùa vào dịp đầu năm mới nên rất cần tiền lẻ. Lo cuối năm hiếm tiền lẻ nên tuần trước tôi đã đến một số ngân hàng thương mại để đổi tiền. Đi một vòng qua 3 ngân hàng mà không đổi được tiền, tôi thực sự bức xúc khi bị từ chối với lý do “ngân hàng chỉ đổi tiền cho khách quen là doanh nghiệp với số lượng lớn”.
Không còn cách nào khác, tôi đến Phủ Tây Hồ - nơi dịch vụ đổi tiền lẻ diễn ra khá rầm rộ. Một phụ nữ chuyên đổi tiền cho khách đi Phủ ra giá: “đổi tiền mệnh giá 1.000đ thì 1,2 triệu ăn 1 triệu đồng, mệnh giá 500đ thì 1,3 triệu ăn 1 triệu đồng”. Để có được 1 triệu đồng tiền lẻ với mệnh giá 500đ, tôi đã phải mất 300.000đ cho người đổi tiền. Tôi không hiểu sao các ngân hàng đều nói không có tiền đổi mà sao “ngân hàng vỉa hè” lại có nhiều tiền lẻ đến vậy”???
Nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường dịp Tết, hiện dịch vụ đổi tiền lẻ đã hoạt động khá nhộn nhịp. Tại một số khu vực như phố Đinh Lễ, Phủ Tây Hồ hay quanh các chùa, khách đến đổi tiền lẻ khá đông. Tại những nơi này, khách có thể đổi bất cứ loại tiền mệnh giá nào, với số lượng bao nhiêu cũng có. Tỷ lệ chênh lệnh phụ thuộc vào mệnh giá tiền, mệnh giá càng cao thì phí chênh lệch càng giảm.
Thông thường, tiền mệnh giá 1 nghìn, 2 nghìn, 5 nghìn đồng tỷ lệ đổi là 10 ăn 9. Riêng loại tiền 200, 500 đồng giấy rất hiếm, nên phí đổi khá cao, tỷ lệ là 10 ăn 7 hoặc 10 ăn 8. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Đức Quang, cán bộ hưu trí phường Kim Mã, quận Ba Đình: “Đi đổi tiền lẻ ngoài chợ “đen” nếu không xem kỹ có thể bị trả thiếu tiền hoặc bị trộn lẫn tiền rách, tiền… âm phủ. Năm trước, khi đi đổi tiền lẻ, do trời tối không để ý tôi đã bị mất hơn 200.000đ trong cọc tiền 1,5 triệu đồng do bị nhét tiền rách, thậm chỉ là giấy trắng vào trong cọc tiền.
Chưa có chế tài xử lý
Được biết, nguồn tiền lẻ cung cấp cho thị trường ngoài lượng tiền mới được in ra thì tiền lẻ cũ từ các đền, chùa sẽ được là lại cho phẳng rồi bán lại cho du khách. Đáp ứng nhu cầu của khách hàng, năm nay, hoạt động đổi tiền lẻ qua mạng diễn ra khá sôi động với những lời mời chào hấp dẫn: “Có 5 triệu đồng tiền 500 đồng. Ai có nhu cầu đổi liên hệ số 0904… với mức 1,2 triệu ăn 1 triệu. Sẽ giao tiền tận nhà với phí 30.000đ/1 triệu đồng”… được đăng tải khá nhiều trên các trang quảng cáo, rao vặt…
Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, do nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới của người dân sẽ tăng mạnh vào dịp cuối năm nên năm nay, Ngân hàng có sự chuẩn bị tốt hơn về cơ cấu, số lượng và mệnh giá tiền so với mọi năm.
Tuy vậy, đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có quy định nào xử lý đối tượng có hành vi đổi tiền chênh lệch ngoài chợ đen. Còn theo một lãnh đạo của Ngân hàng Ngoại thương, người dân có thể đến đổi tiền ở bất cứ chi nhánh, phòng giao dịch nào của tất cả các ngân hàng thương mại. Các ngân hàng thương mại sẽ ưu tiên hơn cho các khách hàng truyền thống. Để có được tiền mới, các ngân hàng thương mại xin đăng ký với Ngân hàng Nhà nước. Các phòng giao dịch hay chi nhánh của các ngân hàng sẽ tự quyết định việc đổi tiền cho khách…
Để người dân có tiền lẻ sử dụng vào dịp cuối năm, đề nghị Ngân hàng Nhà nước cần tăng số lượng phát hành tiền lẻ. Bên cạnh đó, mỗi người đi đổi tiền hãy nêu cao tinh thần cảnh giác, kiểm tra kỹ khi nhận tiền kẻo nhận phải tiền giả, tiền rách không sử dụng được…