Vẫn còn “điểm nóng”
Thanh Oai là một trong những huyện thực hiện việc DĐĐT từ khá sớm của TP Hà Nội. Toàn huyện có diện tích đất nông nghiệp 8.230,46ha, trong đó đã DĐĐT và chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trước năm 2012 được 3.000ha, còn lại trên 5.000ha cần thực hiện trong năm 2013. Theo số liệu báo cáo đến tháng 9/2014, toàn huyện Thanh Oai DĐĐT được 5.165ha, tập trung ở 19/21 xã, thị trấn. Sau DĐĐT, bình quân số thửa ruộng ở các xã giảm từ 5 - 6 thửa/hộ xuống còn 1 - 2 thửa/hộ. Ông Dương Bá Mẫn - Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Oai cho biết, nhiều xã trên địa bàn đã làm tốt công tác DĐĐT như Thanh Mai (334ha), Tam Hưng (739ha), Dân Hòa (335ha)… UBND huyện cũng đã phê duyệt Đề án chuyển đổi vùng sản xuất chuyên canh tập trung sau DĐĐT cho 2 xã Đỗ Động và Tân Ước. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số địa phương chưa thực hiện xong DĐĐT do khó khăn, vướng mắc. Đơn cử, xã Xuân Dương còn 9,4ha, xã Bình Minh còn 20ha, xã Cao Viên còn 130ha…
Tương tự, tại huyện Thường Tín, tính đến nay, huyện đã DĐĐT được 4.023,4ha, đạt 93% kế hoạch. Sau khi dồn đổi đã bước đầu hình thành các vùng chuyên canh, cánh đồng mẫu lớn, hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng được nâng cấp, tạo thuận lợi cho việc áp dụng cơ giới hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất. Mặc dù vậy, huyện Thường Tín vẫn còn vướng mắc trong công tác DĐĐT tại xóm 6, thôn Thụy Ứng, xã Hòa Bình và thôn Gia Phúc, xã Nguyễn Trãi. Ông Lưu Văn Phúc - Trưởng phòng Kinh tế huyện cho biết, đối với xóm 6, thôn Thụy Ứng, qua quá trình tuyên truyền, vận động, xem xét giải quyết đến nay vẫn còn 7 hộ dân chưa đồng thuận. "Huyện tiếp tục chỉ đạo UBND xã Hòa Bình và Nguyễn Trãi tuyên truyền, vận động người dân sản xuất kịp thời vụ, không bỏ ruộng. Đồng thời, rà soát, xử lý vi phạm và hoàn thiện phương án DĐĐT đảm bảo đúng nguyên tắc" - ông Phúc cho biết.
Ngoài 2 huyện Thanh Oai, Thường Tín, một số địa phương khác trên địa bàn TP cũng chưa thực hiện DĐĐT dứt điểm do người dân chưa đồng thuận với cách làm của xã, thôn hoặc mâu thuẫn, khiếu kiện kéo dài như Ba Vì, Sóc Sơn, Quốc Oai... Theo thống kê của Sở NN&PTNT Hà Nội, đến nay, toàn TP đã thực hiện DĐĐT được 74.158,21ha/76.365ha, đạt 97,11% kế hoạch. Trong đó riêng quý III/2014, các địa phương DĐĐT được thêm 588,24ha. Một số huyện thực hiện DĐĐT được diện tích lớn như Chương Mỹ 10.223ha, Sóc Sơn 10.318ha, Phú Xuyên 8.847ha, Mỹ Đức 7.513,86ha, Ứng Hòa 5.069ha và Thanh Oai 5.165ha. Sau dồn đổi, số diện tích dôi dư là 1.477ha, tạo điều kiện để các địa phương quy hoạch quỹ đất xây dựng cơ sở hạ tầng và các công trình phúc lợi. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 3 huyện có tỷ lệ DĐĐT thấp làm giảm tỷ lệ chung của TP là Hoài Đức (75,3%), Đông Anh (69,89%), Quốc Oai (81,71%).
Bên cạnh đó, một số huyện tuy đã thực hiện vượt, hoàn thành hoặc cơ bản hoàn thành DĐĐT theo kế hoạch TP giao nhưng do nhiều lý do khác nhau nên vẫn còn vướng mắc ở một số thôn và khiếu kiện vượt cấp. Điển hình như thôn Vu Chu, thôn Cổ Đô (xã Cổ Đô, huyện Ba Vì); thôn Bình Trù, thôn Đề Trụ 8 (xã Dương Quang, huyện Gia Lâm); thôn Kim Trung (xã Kim Lũ, huyện Sóc Sơn); thôn Trường Xuân (xã Xuân Dương), thôn Đống, thôn Trung, thôn Vĩ và thôn Đàn Viên (xã Cao Viên, huyện Thanh Oai)... Hiện, toàn TP vẫn còn khoảng 40 điểm chưa hoàn thành DĐĐT với tổng diện tích 2.206,86ha, chiếm 2,89% diện tích cần thực hiện dồn đổi.
Chậm cấp sổ đỏ
Theo lãnh đạo huyện Thanh Oai, sau DĐĐT, việc chuyển đổi đất lúa sang các vùng như nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi tập trung xa khu dân cư, trồng cây ăn quả... đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là địa phương phải làm thủ tục trình các cấp có thẩm quyền cho chuyển mục đích sử dụng đất lúa theo Thông tư 47/2013/TT-BNNPTNT ngày 8/11/2013 của Bộ NN&PTNT rất mất thời gian hoàn tất các thủ tục. Tương tự, tại nhiều xã trên địa bàn huyện Phúc Thọ như Sen Chiểu, Trạch Mỹ Lộc... sau DĐĐT cũng nảy sinh nhiều vấn đề. Đó là do chưa có hướng dẫn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nên các hộ nhận các khu ruộng trũng vẫn loay hoay tìm phương án cải tạo, phát triển sản xuất. Thậm chí, nếu địa phương lơ là trong quản lý là xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên các diện tích chuyển đổi này. Đặc biệt, theo ông Khuất Duy Kim - Bí thư Đảng ủy xã Trạch Mỹ Lộc, huyện Phúc Thọ, sau khi DĐĐT, bản đồ vị trí các thửa ruộng bị phá vỡ, số lượng thửa biến động nhưng chưa cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) cho người dân nên nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.
Việc cấp sổ đỏ cho nông nghiệp sau DĐĐT cũng là vấn đề đáng lưu tâm tại nhiều huyện, thị xã hiện nay. Tại huyện Sóc Sơn, toàn huyện đã thực hiện DĐĐT được hơn 10.000ha, nhưng đến nay vẫn chưa cấp cho hộ dân nào do thiếu kinh phí. Theo tính toán của huyện Sóc Sơn, để cấp, đổi lại sổ đỏ phải đo đạc, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính của từng xã, thị trấn và riêng kinh phí thực hiện nhiệm vụ này hết khoảng 130 tỷ đồng nên phải chờ dự án của Sở TN&MT Hà Nội. "Việc này đang gây khó khăn, phức tạp cho việc quản lý đất đai ở các địa phương và người dân chưa thực sự yên tâm đầu tư vào sản xuất" - Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Nguyễn Văn Nguyệt chia sẻ.
Hiện nay, tại các xã đã hoàn thành DĐĐT, nhiều gia đình muốn lập đề án chuyển đổi đất lúa sang các mô hình mới nhưng không thực hiện được do chưa có sổ đỏ. Nhiều hộ dân muốn cho các hộ có điều kiện làm nông nghiệp theo hướng trang trại thuê lại ruộng cũng gặp trở ngại do chưa có sổ đỏ... Rõ ràng, một số "điểm nóng" về DĐĐT chưa được xử lý dứt điểm và tình trạng chậm cấp sổ đỏ sau DĐĐT đang là 2 "nút thắt" lớn cần sớm giải quyết để cho người nông dân sớm yên tâm sản xuất.
Do người dân chưa đồng thuận, đến nay, thôn Cổ Hiền, xã Tuyết Nghĩa, huyện Quốc Oai chưa hoàn thành dồn điền đổi thửa. Ảnh: Quang Thiện
|
Các địa phương cần rà soát lại diện tích đã thực hiện DĐĐT. Trên cơ sở đó, đẩy nhanh tiến độ cấp sổ đỏ đất nông nghiệp cho các hộ dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao giá trị canh tác và thu nhập. Ông Nguyễn Xuân Hưng - Trưởng phòng Ngân sách quận huyện xã phường (Sở Tài chính) |
Thống kê của Sở NN&PTNT, đến nay, diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của các huyện, thị xã đạt 62.032ha. Trong đó, diện tích chuyển đổi sang trồng rau an toàn là hơn 4.200ha, sản xuất lúa chất lượng cao hơn 32.100ha, cây ăn quả hơn 6.700ha, nuôi trồng thủy sản 9.000ha... |