KTĐT - Riêng diện tích cà phê còn khả năng kinh doanh thì Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tiếp tục thu hồi nợ và trả nợ Ngân hàng phát triển Việt Nam theo đúng quy định.
Kể từ ngày 1/1/2010, các diện tích cà phê thuộc Chương trình phát triển 40.000 ha cà phê chè vay vốn Cơ quan phát triển Pháp (AFD) bị mất trắng phải thanh lý do nguyên nhân khách quan, doanh nghiệp đã giải thể có hồ sơ đầy đủ, đều được khoanh nợ (cả gốc và lãi) với thời gian 5 năm.
Cũng tính từ thời điểm trên, đối với diện tích cà phê phát triển kém, năng suất thấp, kinh doanh không có lãi sẽ được khoanh nợ cả gốc và lãi trong thời gian 3 năm.
Riêng diện tích cà phê còn khả năng kinh doanh thì Tổng Công ty Cà phê Việt Nam tiếp tục thu hồi nợ và trả nợ Ngân hàng phát triển Việt Nam theo đúng quy định.
Trên đây là ý kiến chỉ đạo kịp thời của Thủ tướng Chính phủ xử lý tài chính Chương trình phát triển 40.000 ha cà phê chè vay vốn AFD.
Dự án trồng cà phê chè của Việt Nam được khởi động vào năm 1997 có vốn đầu tư giai đoạn 1 gần 800 tỉ đồng với kỳ vọng ban đầu tạo 100.000 chỗ làm; mang lại lợi nhuận 11 - 13 triệu đồng/ha.
Theo Tổng Công ty Cà phê Việt Nam - đơn vị được ủy quyền nghiên cứu, phê duyệt các dự án thành phần (do các tỉnh lập), triển khai dự án…, thì đến năm 1999, chỉ có 7/15 tỉnh lập được dự án, tức là chậm 2 năm so với yêu cầu. 5 tỉnh điển hình là Sơn La, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Nghệ An cố gắng triển khai nuôi trồng cây cà phê chè thì một nửa số tỉnh bị thiệt hại khá nặng nề.
Vào tháng 3/2005, khi Chính phủ quyết định kết thúc giai đọan 1 của dự án thì diện tích cà phê chè chỉ trồng được 13.500 ha, đạt 33,4% mục tiêu ban đầu của dự án. Điều đáng nói là 24% diện tích đã thực hiện của dự án bị mất trắng, 42% diện tích được đánh giá là quá xấu, ít có khả năng cho thu hoạch, chỉ còn một ít diện tích có khả năng cho thu hoạch.
Điển hình như tỉnhThanh Hóa, một trong các địa phương ở phía Bắc thực hiện dự án trồng cà phê chè. Trong các năm thực hiện dự án, gần 100 tỉ đồng đã được đổ vào để trồng 4.000 héc ta cà phê chè. Tới năm 2008, cả tỉnh chỉ có… 59 héc ta trong số diện tích 4.000 héc ta cà phê là có khả năng cho thu hoạch, còn lại bị mất trắng hoặc quá xấu, mất khả năng cho thu hoạch.
Vì vậy, từ tháng 11/2008, Chính phủ đã yêu cầu Bộ ngành liên quan làm rõ trách nhiệm và giải quyết dứt điểm sự tồn tại của dự án nói trên.
Như vậy, một vài điều có thể rút ra kinh nghiệm từ dự án này là vấn đề đầu tư trồng cà phê chè cần nghiên cứu kỹ lưỡng về điều kiện thời tiết, đất đai của từng vùng cũng như trình độ kỹ thuật nuôi trồng. Bởi theo các nhà khoa học gắn bó với cà phê thì cà phê chè là loại cây khó trồng, đòi hỏi kỹ thuật canh tác và nước tưới khắt khe hơn so với cà phê vối vốn được trồng phổ biến ở nước ta.