Đây là một trong những dự án hạ tầng trọng điểm quốc gia, được thực hiện theo hình thức hợp đồng BOT (xây dựng-kinh doanh-chuyển giao). Tổng mức đầu tư của toàn tuyến ước tính khoảng 2.047 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng vào khoảng 1.700 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện trong vòng 27 tháng (từ tháng 10/2014 đến tháng 12/2016). Theo ông Ngô Văn Chiến, Tổng giám đốc liên danh nhà đầu tư, tổng chiều dài dự án là 43,4km trong đó phần tuyến Quốc lộ 1 tránh thành phố Phủ Lý, có điểm đầu phía Nam ở trạm thu phí Nam cầu Giẽ (Km216+874, Quốc lộ 1), điểm cuối tại nút giao Đường tỉnh 494 với Quốc lộ 1 (Km235+885), với tổng chiều dài là 23,3km, tuyến được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng với 4 làn xe, vận tốc thiết kế là 80km/giờ.
Phần tăng cường tuyến Quốc lộ 1 hiện tại đoạn km215+775-km235+885 được tăng cường theo tiêu chuẩn thiết kế đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế là 80km/giờ. Tuyến đường sẽ đi qua địa phận các huyện Duy Tiên, Kim Bảng, Thanh Liêm và thành phố Phủ Lý của tỉnh Hà Nam. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam Mai Tiến Dũng cho biết, đây là một trong số những công trình trọng điểm mà Bộ Giao thông Vận tải tiến hành làm ở Hà Nam. Hà Nam có hai tuyến trọng điểm đi qua là đường cao tốc Bắc-Nam và Quốc lộ 1A. Hiện nay, có tới 70% phương tiện lưu thông trên Quốc lộ 1 nên vẫn còn tình trạng ùn tắc giao thông. Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam, dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần làm giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên tuyến Quốc lộ 1A đặc biệt là khu vực đi qua thành phố Phủ Lý và thị trấn Đồng Văn, giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm khói bụi, khí thải, tiếng ồn từ các phương tiện cơ giới đến sức khỏe cộng đồng dân cư và ô nhiễm môi trường đô thị tại thành phố Phủ Lý. “Ngoài ra, dự án hoàn thành góp phần hoàn chỉnh mạng lưới đường phù hợp với quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng giao thông của tỉnh Hà Nam nói riêng và hệ thống đường bộ Việt Nam nói chung, thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển cũng như tăng cường giao lưu kinh tế giữa tỉnh Hà Nam với các tỉnh lân cận và giữa các vùng trong tỉnh đồng thời giảm,” Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Mai Tiến Dũng nhấn mạnh. Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam cũng giao các cấp chính quyền bàn giao mặt bằng sạch cho nhà thầu thi công, thời gian hoàn thành trước 31/12/2014 tạo thuận lợi để công trình đảm bảo chất lượng kỹ thuật và đúng tiến độ. Phát biểu tại lễ khởi công, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải đánh giá cao nỗ lực của Bộ Giao thông Vận tải và tỉnh Hà Nam vì đây là dự án tuyến tránh qua thành phố cuối cùng của Quốc lộ 1. Dự án được triển khai theo hình thức BOT, theo định hướng của Chính phủ về tái đầu tư công bởi nhu cầu đầu tư cho hạ tầng kinh tế, giáo dục, y tế… vào khoảng 400 tỷ USD trong đó, riêng ngành giao thông đã chiếm tới 50%. Hiện, cả nước có trên 60 dự án BOT với số vốn tham gia lớn. Qua công trình này, Phó Thủ tướng đánh giá cao các nhà đầu tư tham gia xã hội hóa các dự án giao thông, thể hiện tính lành mạnh về tài chính khi nhận được sự tin tưởng của ngân hàng và hiệu quả của dự án đồng thời là sự kiểm tra chéo lẫn nhau giữa cơ quan quản lý Nhà nước. Phó Thủ tướng cũng tin tưởng người dân địa phương ủng hộ về giải phóng mặt bằng để dự án về đích đúng tiến độ.
Lễ khởi công dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý và tăng cường mặt đường trên Quốc lộ đoạn qua tỉnh Hà Nam chính thức diễn ra sáng 12/10 (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Dự án đầu tư xây dựng công trình Quốc lộ 1 đoạn tránh thành phố Phủ Lý và tăng cường mặt đường trên Quốc lộ đoạn qua tỉnh Hà Nam sẽ được thực hiện bởi liên danh các nhà đầu tư gồm: Công ty Cổ phần Kỹ thuật nền móng và Công trình ngầm FECON, Công ty cổ phần xây dựng Cotec và Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco 1). Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) là đối tác chính hỗ trợ vốn cho dự án này. |