Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi công nâng cấp đường Pháp Vân - Cầu Giẽ

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/7, Bộ Giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội tổ chức khởi công Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ theo chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100 km/h.

Khi hoàn thành, tuyến cửa ngõ trọng điểm phía Nam Hà Nội sẽ chính thức được nâng lên chuẩn đường cao tốc với vận tốc thiết kế 100km/h. Tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ có tổng chiều dài khoảng 29km. Điểm đầu tại vị trí nút giao Pháp Vân giao giữa đường Pháp Vân - Cầu Giẽ với đường Vành đai 3 của Hà Nội. Điểm cuối tại Km 211+256 nối vào tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình hiện nay.

Dự án do Liên danh nhà đầu tư là Công ty Đầu tư xây dựng Minh Phát - Tổng Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 1 (Cienco 1) và Công ty xây dựng giao thông Phương Thành thực hiện theo hình thức BOT (Xây dựng - Vận hành - Chuyển giao).
Phó Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút khởi công dự án.
Phó Thủ tướng và các đại biểu nhấn nút khởi công dự án.
Tuyến đường sẽ được đầu tư nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100km/h. Tổng mức đầu tư dự án vào khoảng 6.731 tỷ đồng, bao gồm chi phí xây lắp, giải phóng mặt bằng, quản lý dự án, lãi vay và các chi phí khác. Trong đó, giai đoạn 1 khoảng 1.974 tỷ đồng, bao gồm cải tạo, nâng cấp kết cấu mặt đường chính tuyến, đáp ứng tiêu chuẩn đường cao tốc 4 làn xe cơ giới. Việc nâng cấp sẽ tận dụng đường hiện tại với bề rộng nền đường 25m.

Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư 4.757 tỷ đồng, bao gồm xây dựng mở rộng hoàn chỉnh đường cao tốc thành 6 làn xe cơ giới. Chiều rộng nền đường là 33,5m. Đồng thời, tuyến đường sẽ được xây dựng đường gom song hành hai bên với chiều rộng nền đường 6,5m.

Phát lệnh khởi công dự án, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đánh giá, tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có vai trò đặc biệt quan trọng, phục vụ phát triển KTXH và bảo đảm an ninh quốc phòng của Thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc.

Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư phải nâng cao chất lượng thi công, chất lượng đầu tư các dự án giao thông. Đối với dự án này Bộ Giao thông Vận tải và nhà đầu tư cần xây dựng thành dự án mẫu, dự án điểm. Trong quá trình thi công, Bộ Giao thông Vận tải, chủ đầu tư dự án cần phối hợp tốt với UBND TP Hà Nội trong việc giải phóng mặt bằng, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ. Do đặc thù vừa thi công vừa tổ chức giao thông nên phải đặc biệt lưu ý đến biện pháp đảm bảo an toàn cho người và phương tiện giao thông.