Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khởi công tuyến đường sắt đô thị số 5 vào năm 2017

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 25/10, UBND TP Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thảo luận về báo cáo nghiên cứu F/S Dự án Tuyến đường sắt đô thị (ĐSĐT) số 5 TP Hà Nội. Đây là dự án quan trọng trong quy hoạch giao thông vận tải của Hà Nội, nối thành phố trung tâm với đô thị vệ tinh Hòa Lạc.

Theo đại diện của JICA, kết quả nghiên cứu cuối kỳ, tuyến đường sắt số 5 kết nối Hồ Tây - Hòa Lạc - Ba Vì, có tổng chiều dài 38,4 km, việc đầu tư chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ Hồ Tây đến An Khánh có chiều dài 14,1 km, gồm 10 nhà ga. Giai đoạn 2 từ An Khánh đi Hòa Lạc – Ba Vì có chiều dài 24,3km, với 7 nhà ga.
 
Kết thúc giai đoạn 1,  tuyến ĐSĐT số 5 sẽ có 11 đoàn tàu với tổng số 44 toa đi vào hoạt động, tốc độ tàu chạy tối đa trên cao là 120km/h; dưới ngầm là 80km/h, tương ứng thời gian đi từ Hồ Tây đến An Khánh khoảng 18 phút 30 giây, đến Hòa Lạc khoảng 33 phút 22 giây và đến Ba Vì khoảng 41 phút. Tàu chạy trong giờ cao điểm là 6 phút/chuyến, các giờ khác trong ngày là 12 phút/chuyến.

Dự báo ở giai đoạn 1 (tại thời điểm đến năm 2021), đến khu vực nhà ga 10 có 171 nghìn người/ngày vận chuyển trên tuyến. Ở thời điểm năm 2030, ở toàn tuyến có 432 nghìn người/ngày.
 
Khởi công tuyến đường sắt đô thị số 5 vào năm 2017 - Ảnh 1
 
Tuyến số 5 đường sắt đô thị của Hà Nội được khởi công vào năm 2017.

Theo lộ trình, năm 2017 khởi công giai đoạn 1 và đưa vào khai thác năm 2021 là 14,1km (từ Hồ Tây đến An Khánh) với10 ga; giai đoạn 2 thi công năm 2028 và đưa vào khai thác năm 2030 là 24,3 km (từ An Khánh – Hòa Lạc – Ba Vì) với 7 ga.

Theo tính toán của tư vấn, phương án đi ngầm chi phí cao, hết 2.680 triệu USD, trên cao là 2.019 triệu USD chi phí ít hơn và dễ triển khai hơn. Việc vận hành tuyến sẽ có công ty tư nhân điều phối các toa xe, quản lý tuyến đường sắt trong vòng 15 năm. Phía Chính phủ VN sẽ vay vốn ODA để thực hiện dự án và thu lại qua phí.

Đại diện các sở, ngành của TP Hà Nội đề nghị đơn vị tư vấn, tập trung làm rõ phương án kết nối giữa tuyến ĐSĐT số 5 với các tuyến đường sắt khác và với hệ thống đường bộ; phương án nút giao với tuyến đường sắt số 6 và các cầu cạn trong khu vực nội thành, đường vành đai; lựa chọn phương án đi ngầm từ khu vực vành đai 2 vào trung tâm theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để bảo đảm tính kết nối, giữa tuyến số 5 với các tuyến ĐSĐT khác…

Theo Phó Chánh văn phòng UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Thịnh, báo cáo lần này là báo cáo nghiên cứu cuối kỳ, đề nghị Ban quản lý dự án đường sắt tập hợp lại các ý kiến tham gia từ các sở, ngành để báo cáo UBND TP. Theo kế hoạch, đơn vị tư vấn sẽ tổng hợp ý kiến của UBND TP Hà Nội và các bộ, ngành liên quan đến 8/11/2012, sau đó hoàn chỉnh và đệ trình báo cáo cuối kỳ của Dự án vào 10/12/2012.