KTĐT - Địa điểm xây dựng, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Diện tích đất xây dựng sử dụng hợp lý và tiết kiệm diện tích nhất.
Sáng 25/11, các đại biểu Quốc hội đã biểu quyết thông qua với đa số phiếu tán thành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.
Các đại biểu cũng đã biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục; Luật Thuế tài nguyên; Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy thủy điện Lai Châu.
Khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014
Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án điện hạt nhân Ninh Thuận nêu rõ, Quyết định chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, gồm 2 nhà máy, mỗi nhà máy có 2 tổ máy để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận.
Địa điểm xây dựng, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận; Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận. Diện tích đất xây dựng sử dụng hợp lý và tiết kiệm diện tích nhất.
Hai nhà máy của dự án với công suất trên 4.000 MW, phù hợp với công nghệ và thế hệ lò được chọn; công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 khoảng 2.000 MW; công suất nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 khoảng 2.000 MW. Tổng mức đầu tư dự toán của dự án này khoảng 200.000 tỷ đồng tại thời điểm lập dự án vào quý IV năm 2008.
Nhà máy điện hạt nhân sử dụng công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò điện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế tại thời điểm lập dự án đầu tư. Thời gian khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Căn cứ vào tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Bắt đầu xây dựng nhà máy thủy điện Lai Châu vào cuối năm 2010
Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án thủy điện Lai Châu nêu rõ, Quyết định chủ trương đầu tư Dự án thủy điện Lai Châu để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia; góp phần cùng với các nhà máy thủy điện trên Sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bẳng Bắc Bộ; phục vụ phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên và cả vùng Tây Bắc. Địa điểm xây dựng đập và nhà máy thủy điện Lai Châu là xã Nậm Hàng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu.
Dự án các thông số cơ bản như: Mực nước dâng bình thường 295m; công suất lắp máy 1.200MW; công nghệ chính bảo đảm yêu cầu hiện đại, hiệu quả, an toàn; tổng mức đầu tư dự tính 32.600 tỷ đồng (tại thời điểm lập dự án, quý II năm 2008). Nhà máy khởi công xây dựng vào cuối năm 2010, phát điện tổ máy số 1 vào năm 2016, hoàn thành công trình vào năm 2017.
Giao Chính phủ tổ chức, chỉ đạo triển khai thi công trước các hạng mục chuẩn bị, công trình tạm, phụ trợ để đảm bảo tiến độ công trình; đồng ý cho áp dụng đối với Dự án thủy điện Lai Châu những cơ chế, chính sách đã phát huy hiệu quả tốt trong quá trình thực hiện Dự án thủy điện Sơn La. Trường hợp cần thiết phải áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt thì Chính phủ trình Quốc hội xem xét...
Nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá qua hơn ba năm thực hiện, Luật Giáo dục đã góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục, nâng cao trình độ dân trí và chất lượng nguồn nhân lực.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật đã phát hiện một số điểm chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về giáo dục, phát huy tốt hơn hợp tác quốc tế về giáo dục, đòi hỏi phải sửa đổi, bổ sung kịp thời, tránh tiếp tục kéo dài các bất hợp lý và ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục như điều kiện thành lập nhà trường; đình chỉ hoạt động, giải thể nhà trường; hợp tác quốc tế về giáo dục; cơ sở giáo dục đại học; kiểm định chất lượng giáo dục; công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục; giáo trình giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học; chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa…
Những vấn đề sửa đổi, bổ sung trong Dự thảo Luật đã tập trung giải quyết được ở mức độ nhất định một số vấn đề bức xúc hiện nay như quy định việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, tạo cơ sở pháp lý để Nhà nước tiếp tục tăng đầu tư có hiệu quả và nâng cao chất lượng giáo dục mầm non nói chung và trẻ em 5 tuổi nói riêng, đặc biệt ở vùng miền núi và các vùng kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn.
Luật bổ sung một số quy định chặt chẽ hơn về việc biên soạn chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa; xác định trách nhiệm của người đứng đầu các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp phải bảo đảm có đủ giáo trình giảng dạy, học tập; bổ sung các quy định về yêu cầu công khai tiêu chuẩn chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng giáo dục và xác định rõ nội dung quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục; tách bạch hơn điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục...
Tăng cường quản lý nhà nước đối với tài nguyên
Đối với Luật Thuế tài nguyên, về các loại tài nguyên thuộc diện chịu thuế Khoản 8, Điều 2 của Dự thảo Luật đã trình Quốc hội quy định đối tượng chịu thuế là “Các loại tài nguyên thiên nhiên không thuộc quy định từ khoản 1 đến khoản 7 Điều này” nhằm điều chỉnh đối tượng phát sinh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá qua thực tế áp dụng luật, đã có trường hợp phát sinh đối tượng thuộc diện chịu thuế mà chưa được quy định trong luật. Để luật mang tính dự báo và ổn định, tránh sửa đổi, bổ sung nhiều lần thì cần có quy định điều chỉnh những vấn đề phát sinh.
Tuy nhiên, trong luật phải quy định rõ cơ quan có thẩm quyền quyết định đưa tài nguyên vào đối tượng chịu thuế. Tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chỉnh sửa lại khoản 9 Điều 2 của Dự thảo luật mới như sau: “Tài nguyên khác do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định”.
Về việc mở rộng và thu hẹp đối tượng chịu thuế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đối với một số tài nguyên như gió, năng lượng mặt trời là năng lượng sạch, Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang khuyến khích sử dụng. Việc không đưa gió, năng lượng mặt trời vào đối tượng chịu thuế cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với kho số, tần số... hiện đang là lĩnh vực mới, bước đầu được khai thác; Nhà nước đang áp dụng thu phí sử dụng đối với tài nguyên này.
Tại Điều 31 của Dự thảo Luật tần số vô tuyến điện đã quy định việc thu phí và lệ phí khi sử dụng tần số, kho số. Đối với danh lam, thắng cảnh, hiện nay, khi khai thác, cung cấp dịch vụ, các doanh nghiệp đều phải nộp thuế giá trị gia tăng cho dịch vụ và nộp thuế thu nhập doanh nghiệp từ lợi nhuận thu được. Hơn nữa, Nhà nước đang chủ trương khuyến khích các tổ chức, doanh nghiệp khai thác thế mạnh của danh lam, thắng cảnh; quảng bá hình ảnh Việt Nam thông qua các danh lam, thắng cảnh của đất nước với người dân trong nước và thế giới.
Đối với tài nguyên đất, theo quy định của pháp luật hiện hành, người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ nộp thuế sử dụng đất, nộp tiền thuê đất, tiền giao đất... Do vậy, với các lý do trên, tại thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chưa bổ sung một số tài nguyên như gió, năng lượng mặt trời, danh lam, thắng cảnh, tần số, kho số, đất... vào đối tượng chịu thuế.
Buổi chiều các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường./.