Cơ chế này nếu được thực hiện nghiêm túc và thường xuyên sẽ góp phần giảm thiểu các hoạt động đầu cơ, gia tăng niềm tin vào sự bình ổn thị trường và đưa giá vàng trong nước bám sát giá thế giới.
Giảm thiểu đầu cơ
Sáng 28/3, giá vàng tại Công ty Vàng bạc đá quý (SJC) giao dịch ở mức 43,58 - 43,7 triệu đồng/lượng. Dù vẫn tiếp tục cao hơn giá vàng thế giới khoảng 3,1 triệu đồng/lượng nhưng so với mức tăng 13 USD/ounce của giá vàng thế giới, mức tăng trong nước so với phiên trước đã giảm. Điều này cho thấy, kết quả tích cực của việc tổ chức đấu thầu vàng miếng.
Khách hàng giao dịch vàng tại cửa hàng Bảo Tín - Minh Châu. Ảnh: Đinh Trang
Theo Thông tư số 06/2013/TT-NHNN ngày 12/3 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về hướng dẫn hoạt động mua, bán vàng miếng trên thị trường trong nước, NHNN có thể tuỳ từng thời điểm để tổ chức đấu thầu (đấu thầu theo giá hoặc theo khối lượng) và mua bán trực tiếp. Quy trình đấu thầu (gồm 11 bước từ khi thông báo đến ký văn bản xác nhận, mua bán) và mua bán trực tiếp (gồm 7 bước từ thông báo mua bán, tổ chức chuyển tiền đặt cọc) được NHNN ban hành và có hiệu lực ngày 18/3, đấu thầu gồm có đấu thầu theo giá và theo khối lượng.
Khi theo khối lượng, trường hợp tổng số lô vàng miếng đặt thầu bằng hoặc thấp hơn khối lượng NHNN mua hoặc bán thì khối lượng trúng thầu bằng khối lượng DN, tổ chức tín dụng đặt thầu. Nếu số lô đặt thầu vượt quá khối lượng NHNN thông báo, mức trúng thầu xếp thứ tự từ cao xuống thấp nhất. Trường hợp ở mức khối lượng trúng thầu thấp nhất có nhiều đơn vị đặt mua hoặc bán thì khối lượng còn lại chia đều cho tất cả.
Khi theo giá, xét theo thứ tự giảm dần từ giá trúng cao nhất cho tới thấp nhất mà tại đó NHNN bán được khối lượng tối đa; hoặc xét theo thứ tự từ thấp đến cao nếu NHNN mua được khối lượng tối đa.
Nếu cơ chế đấu thầu trên đây được thực hiện nghiêm túc, thường xuyên và ngày càng hoàn thiện theo yêu cầu thị trường, gắn với dự trữ ngoại hối quốc gia, sẽ góp phần bình ổn thị trường và đưa giá trong nước bám sát giá thế giới.
Ngăn chặn liên kết làm giá
Cần nhấn mạnh rằng, để đạt được mục tiêu trên, nhất là đảm bảo hài hoà các lợi ích, trong đó ưu tiên lợi ích ổn định vĩ mô và cân đối dự trữ ngoại hối, các mức giá mua - bán vàng miếng cần được NHNN cân nhắc hợp lý. Đi cùng với đó là các biện pháp ngăn chặn những hiện tuợng liên kết làm giá, giữ giá, đẩy giá trong và sau đấu thầu vàng miếng; giám sát việc sử dụng vàng, cơ chế giá bán lẻ đối với lượng vàng trúng thầu; áp giới hạn trạng thái vàng thấp hợp lý; cấm các tổ chức tín dụng cho vay để mua vàng, ngoại trừ trường hợp được Thống đốc xét duyệt…
Ngoài những giải pháp này cũng cần triển khai đồng thời, quyết liệt Luật Phòng chống rửa tiền. Thị trường vàng hiện tương đối cạnh tranh, không phải độc quyền của bất kỳ ai nên khả năng liên kết làm giá, thông thầu là rất khó. Hơn nữa, giá vàng biến động liên tục, nếu để vàng tồn quỹ lớn, ôm vàng nhiều mà không bán được, chỉ qua một đêm là lỗ bạc tỷ, hoàn toàn không đơn giản. Chính vì thế, với việc tổ chức đấu thầu vàng công khai, giá vàng sẽ do thị trường quyết định là chính.
Tuy nhiên, để giảm thiểu rủi ro cho DN tham gia đấu thầu vàng, NHNN cũng cần thực hiện tốt các cam kết nghĩa vụ cung ứng vàng trúng thầu theo đúng khối lượng, chất lượng, giá và thời gian đã "chốt" với DN theo quy định đấu thầu…
Thông báo từ NHNN, trong phiên đấu thầu bán vàng miếng chính thức đầu tiên (ngày 28/3), tổng khối lượng trúng thầu là 2.000 lượng vàng. Giá trúng thầu là 43.810.000 đồng/lượng. Tổng số thành viên trúng thầu là 2/21 tổ chức tham gia đấu thầu. Đại diện NHNN cho biết, thông qua việc đấu thầu bán vàng miếng, NHNN đã thực hiện tăng cung vàng miếng trên thị trường và tham gia thị trường với tư cách người mua bán cuối cùng. Trên cơ sở đánh giá, phân tích diễn biến của thị trường vàng, NHNN sẽ tiếp tục tổ chức các phiên đấu thầu bán vàng miếng trong thời gian tới để tăng cung vàng miếng nhằm bình ổn thị trường vàng theo chủ trương của Quốc hội và Chính phủ.
Đinh Trang
|