Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo mẫu mã sản phẩm làng nghề

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hà Nội có khoảng 1.350 làng nghề thủ công mỹ nghệ (TCMN), mỗi làng mang một nét đặc thù riêng được tạo bởi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân truyền từ đời này sang đời khác.

Thế nhưng, làng nghề Hà Nội lại đang đứng trước nguy cơ bị mai một đi sự sáng tạo đặc trưng của sản phẩm. 

Nhìn thấy thực tế đó, Sở Công Thương Hà Nội đã tổ chức cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2012". Cuộc thi đã kết thúc với những thành công bước đầu, mở ra triển vọng về một tương lai những vùng đất nghề không phải đi gia công, sao chép lẫn nhau.

Phát huy và nâng cao giá trị làng nghề

Nâng cao tính sáng tạo, tính ứng dụng, tính thương mại của sản phẩm TCMN là một trong những yêu cầu bức thiết đối với các làng nghề Việt Nam hiện nay, nhất là trong điều kiện cạnh tranh khốc liệt trên thị trường quốc tế. Đây cũng là mục tiêu quan trọng trong chương trình khuyến công địa phương năm 2012 của UBND TP Hà Nội. Cụ thể, vừa qua, Sở Công thương Hà Nội đã tổ chức cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2012". Cuộc thi diễn ra từ tháng 5 - 10/2012. Sau 5 tháng triển khai, cuộc thi đã nhận được sự tham gia hưởng ứng của 89 đơn vị, cá nhân (33 doanh nghiệp và 56 cá nhân, trong đó có 14 nghệ nhân) với tổng số 210 sản phẩm dự thi bao gồm các nhóm sản phẩm gốm sứ, sơn mài, mây tre giang đan, khảm trai, gỗ mỹ nghệ, đồng kim khí, thêu ren… 

Khơi dậy tiềm năng sáng tạo mẫu mã sản phẩm làng nghề - Ảnh 1
Những nghệ nhân đạt giải cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2012".
 

Sự tham gia nhiệt tình của các nghệ nhân, doanh nghiệp cho thấy họ đã nhận thức được tầm quan trọng của thiết kế mẫu mã sản phẩm trong kinh doanh. Ở thời điểm thị trường hiện nay, người bán ngày một nhiều, trong khi người mua ngày càng khó tính, một sản phẩm được thị trường thế giới chấp nhận, không chỉ cần giá rẻ mà cần có mẫu mã đẹp, độc đáo và tính ứng dụng cao. Nhưng đối với nhà sản xuất, ngoài đẹp và khác biệt, sản phẩm còn phải đáp ứng tính thương mại, tức là khả năng sản xuất hàng loạt để phục vụ xuất khẩu. Thực tế ở Việt Nam, một số làng nghề lớn như gốm sứ, lụa, tranh… có những nghệ nhân tài giỏi, thực sự tâm huyết với nghề, họ không ngừng sáng tạo để làm ra những sản phẩm mới, đẹp. Thế nhưng những sản phẩm cho ra đời, đáng tiếc lại thường đề cao tính nghệ thuật, sự độc đáo, ý nghĩa văn hoá của sản phẩm, các thiết kế sản phẩm mang tính "độc nhất", trong khi khả năng ứng dụng và tính thương mại chưa được chú ý nhiều.

Trong khi đó, đa phần các làng nghề còn lại do không có định hướng rõ trong phát triển nên mạnh ai nấy làm, chỉ nhìn thấy cái lợi trước mắt mà không tính đến định hướng lâu dài. Hậu quả là nhiều năm trở lại đây không ít làng nghề của Hà Nội rơi vào cảnh đình trệ sản xuất, mất dần các đơn hàng xuất khẩu lớn. Hai nguyên nhân quan trọng hàng đầu gây nên tình trạng này là việc thiếu thông tin thị trường và sự đơn điệu của mẫu mã sản phẩm. Không ít làng nghề đã "chết dần chết mòn" vì các đơn hàng không đủ duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh. Một khảo sát mới đây tại một số làng nghề ven đô cho thấy, đã có trên dưới 30% các hộ sản xuất bỏ nghề. Nếu trước đây, gốm sứ làng nghề Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) vốn nổi tiếng là phát triển tốt và thích ứng nhanh với cơ chế thị trường, kim ngạch xuất khẩu luôn dẫn đầu các làng nghề trong cả nước, giải quyết việc làm cho khoảng 6.000 lao động thì giờ đây con số đó chỉ còn một nửa và lượng khách mua hàng cũng sụt giảm, nhiều đơn hàng bị cắt, lượng hàng tồn kho cao. Hay như làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông), các làng nghề mây tre đan ở huyện Chương Mỹ, Phú Xuyên… đều trong cảnh đìu hiu vắng khách tham quan, mua sắm và không còn nhiều những chuyến hàng xuất khẩu, nhiều máy móc bị đắp chiếu, không ít lao động phải bỏ nghề đi tìm công việc khác.

 
Khơi dậy tiềm năng sáng tạo mẫu mã sản phẩm làng nghề - Ảnh 2
Sản phẩm đoạt giải. Ảnh: Hoàng Tùng

 
Cách đây vài năm, hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam được nhiều nước trên thế giới ưa chuộng do sự mới lạ, độc đáo và giá rẻ nhưng đến nay, sức hấp dẫn đã bị giảm nhiều. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do trong thời gian qua rất nhiều mẫu mã chúng ta đã không có sự thay đổi. Đa số các sản phẩm làm theo các mẫu mã có từ hàng chục, hàng trăm năm nay, các sản phẩm xuất khẩu đa phần gia công theo mẫu có sẵn của đối tác, hoặc làm "nhái" mẫu nước ngoài. Hệ lụy là ngành nghề này luôn ở thế bị động trên con đường chinh phục thị trường tiêu thụ. Chúng ta có nghệ nhân, ngành nghề truyền thống lâu đời nhưng lại bị động trong việc sản xuất. Một nghệ nhân nghề mây tre giang đan ở Chương Mỹ, Hà Nội cho biết, đa phần các sản phẩm ở làng nghề được làm theo kiểu cha truyền, con nối, lớp cũ truyền lại cho lớp mới nên lao động chỉ thiên về kỹ thuật, sự khéo léo chứ không mấy ai nghĩ ra làm cái gì mới, cái gì đẹp hơn. Một số mẫu mã mới xuất hiện gần đây chủ yếu do đối tác nước ngoài đặt hàng, các cơ sở sản xuất chỉ đóng vai trò gia công và nhận tiền công, chứ không biết giá bán trên thị trường là bao nhiêu. Một số mẫu mã mới được thiết kế sau khi tham khảo, được thị trường chấp nhận lại lập tức bị các cơ sở khác bắt chước. 

Hậu quả là ngoài việc mất dần khách hàng, giá trị mang lại ít, chúng ta còn có nguy cơ gặp rắc rối về mặt pháp lý (nếu sao chép). Vì vậy, các chuyên gia cho rằng, để hàng TCMN Việt Nam vào được bất kỳ quốc gia, vùng lãnh thổ nào, cần phải xâm nhập thị trường, tìm hiểu thị hiếu của khách hàng nơi đó, để sản phẩm ra đời có sức cạnh tranh nhất…

Khơi dậy tính sáng tạo sản phẩm

Nhìn nhận được thực tế đó, UBND TP Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền và hỗ trợ các làng nghề trong việc tìm ra mẫu mã mới phù hợp với thị hiếu khách hàng, cuộc thi "Thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội năm 2012" là khởi đầu đầy hứng khởi. Sau khi chọn lọc được hơn 200 sản phẩm dự thi, Sở Công Thương Hà Nội đã mời các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực thiết kế TCMN đến từ trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp, Hội Mỹ thuật Việt Nam, Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam tham gia xem xét, đánh giá và đóng góp đối với các sản phẩm dự thi. Nhiều sản phẩm đã được chỉnh sửa theo ý kiến của chuyên gia, đem lại sự hoàn hảo hơn trong mẫu mã. Việc đánh giá, chấm điểm cũng do các chuyên gia thiết kế mỹ thuật hàng đầu thực hiện. 

Kết thúc cuộc thi, Ban Giám khảo đã trao 41 giải thưởng cho các tác phẩm, trong đó có 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 35 giải Khuyến khích. Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công Thương Hà Nội) cho biết, đơn vị thường trực tổ chức cuộc thi đánh giá: Cuộc thi đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các Hội, Hiệp hội trên địa bàn; quy tụ sự tham gia của đông đảo các doanh nghiệp, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm TCMN trên địa bàn Hà Nội, trong đó có nhiều doanh nghiệp xuất khẩu và các nghệ nhân. Các sản phẩm dự thi đa phần có thiết kế mới, trong đó 6 sản phẩm đạt giải Nhất, Nhì, Ba có thiết kế mới 100% trong năm 2012. Chủng loại cũng như chất liệu sản phẩm dự thi rất đa dạng, phong phú, nhiều sản phẩm có chất liệu rất độc đáo, thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục như một số nhóm sản phẩm dự thi còn ít như đá, sừng mỹ nghệ, đồng kim khí, dệt lụa tơ tằm…; một số sản phẩm có mẫu mã không mới… 

Ông Hoàng Xuân Thủy đánh giá cuộc thi đã góp phần khơi dậy tính sáng tạo của các doanh nghiệp, nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực TCMN, tạo ra những mẫu sản phẩm TCMN có tính mới, độc đáo, sáng tạo. Mặc dù là năm đầu tiên Hà Nội tổ chức một cuộc thi, song các kết quả đạt được đã vượt mục tiêu đề ra. Với những kết quả này, chúng ta hoàn toàn có thể hy vọng có thêm luồng gió mới đến các làng nghề vốn đang gặp nhiều khó khăn hiện nay, đưa các sản phẩm TCMN của chúng ta đến gần hơn với nhu cầu của người tiêu dùng trong nước cũng như quốc tế.