Xã hội ngày càng tiến bộ, vai trò và năng lực của phụ nữ càng được khẳng định trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc phụ nữ tham gia các hoạt động chính trị là một trọng những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao vị thế của phụ nữ trong xã hội nói chung, đồng thời là tiền đề để thực thi các quyền con người khác.
Khẳng định vai trò lãnh đạo của phụ nữ
Trong Tuyên ngôn thế giới về quyền con người, bình đẳng giới được hiểu là phụ nữ và nam giới được hưởng những điều kiện như nhau để thực hiện đầy đủ các quyền con người và có cơ hội đóng góp, thụ hưởng những thành quả phát triển của xã hội.
Luật Bình đẳng giới ở Việt Nam đã quy định: Bình đẳng giới là việc nam, nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, của gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân với các nữ giáo viên, nhà quản lý giáo dục tiêu biểu tại buổi gặp mặt nhân kỷ niệm 38 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam năm 2020. |
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, bình đẳng giới ở Việt Nam là điểm sáng trong việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ; trên tất cả các lĩnh vực đều có sự cống hiến của nữ giới. Tuy hầu hết các cơ quan lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước ở các cấp đều có tỷ lệ nam giới cao hơn, song chất lượng, hiệu quả, uy tín của cán bộ nữ đã ngày càng chứng tỏ nỗ lực cá nhân phụ nữ cũng như nỗ lực của cả xã hội trong quá trình thực hiện bình đẳng giới.
Tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung và tỷ lệ này ngày càng tăng. Điển hình, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội luôn duy trì ở mức cao và có xu hướng ngày càng tăng lên.
Theo đánh giá của Diễn đàn Kinh tế thế giới, Việt Nam đã có bước tiến về tăng tỷ lệ phụ nữ tham chính; đứng thứ ba trong khu vực ASEAN và thứ 47 trong 187 quốc gia trên thế giới tham gia xếp hạng về bình đẳng giới trong tham chính.
Phát biểu tại Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhấn mạnh: Phụ nữ Việt Nam có mặt trong mọi lĩnh vực, trên mọi địa bàn, chủ động tham gia các hoạt động của đời sống xã hội, thực hiện tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Tỷ lệ nữ tham gia công tác lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị ngày càng tăng. Những nhiệm kỳ Đại hội Đảng gần đây luôn có cán bộ nữ là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và nhiều Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng; tỷ lệ nữ trong Quốc hội chiếm gần 27%.
Trong cuộc gặp mặt các mặt các lãnh đạo và đại biểu Quốc hội nữ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ ngày nay, sự tham gia của phụ nữ vào vị trí lãnh đạo, quản lý, điều hành đang trở thành nhân tố không thể thiếu đối với sự phát triển của các quốc gia, các tổ chức, doanh nghiệp, cộng đồng...
Tại nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế, phụ nữ đã được tin tưởng bầu vào những chức vụ cao, trọng trách lớn như bà Angela Merkel, Thủ tướng Cộng hòa liên bang Đức 4 nhiệm kỳ; bà Sophie Wilmes, nữ Thủ tướng đầu tiên của Bỉ (2019), bà Mette Frederiksen, Thủ tướng Đan Mạch (2019), bà Lagarde, nguyên Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)...
Nhiều nhà lãnh đạo nữ với tố chất và bản tính mềm dẻo, khéo léo nhưng quyết đoán đã giải quyết những vấn đề lớn, quan trọng một cách linh hoạt và hiệu quả, mang lại lợi ích cho quốc gia dân tộc và đóng vai trò quốc tế.
Ở Việt Nam, bất kỳ thời đại nào cũng xuất hiện những nữ lãnh đạo lừng lẫy, những nữ anh hùng của dân tộc, có công lớn trong việc gìn giữ chủ quyền, độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Đó là các Hai Bà Trưng, Lê Chân, Triệu Thị Trinh, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Định...
Thực tế đó đã khẳng định sự hòa nhập của phụ nữ trong vai trò lãnh đạo xã hội và các hệ thống khác trong đời sống đang trở nên cần thiết; các phẩm chất của phụ nữ đang mở rộng từ gia đình đến xã hội. Những biến đổi cần thiết này giúp tăng cường vai trò của phụ nữ trong một thế giới đầy biến động, cũng như phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước Việt Nam trong phát huy vai trò, tiềm năng của phụ nữ trong điều kiện mới.
Tạo điều kiện để phụ nữ tham chính
Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII đã xác định rõ mục tiêu đến năm 2030: “Phải có cán bộ nữ trong cơ cấu Ban Thường vụ cấp ủy và tổ chức đảng các cấp. Tỷ lệ nữ cấp ủy viên các cấp đạt từ 20-25%; tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp đạt trên 35%.”
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 xác định mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, về cơ bản bảo đảm sự bình đẳng thực chất giữa nam và nữ trên mọi lĩnh vực với 7 mục tiêu cụ thể. Trong đó, mục tiêu thứ nhất là tăng cường sự tham gia của phụ nữ vào các vị trí quản lý, lãnh đạo nhằm giảm khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị; các cơ quan, đơn vị có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên, nhất thiết có cán bộ lãnh đạo chủ chốt là nữ.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy so với tiềm năng và nguồn lực cán bộ nữ trong hệ thống chính trị, tỷ lệ cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ còn hết sức khiêm tốn. Dù Việt Nam luôn đứng thứ hạng cao trên thế giới trong việc bảo đảm quyền của người phụ nữ khi tham gia vào các quan hệ xã hội, đặc biệt là tham gia vào bộ máy quản lý đất nước, nhưng so với tương quan nam giới vẫn còn sự chênh lệch, đặc biệt những mục tiêu cụ thể trong lĩnh vực chính trị của Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới.
Đề cập đến vai trò tham chính của phụ nữ, Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh một trong những cam kết của Việt Nam trong việc thực hiện bình đẳng giới là nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính, tuy nhiên trong thực tế, tỷ lệ này chưa đạt được kỳ vọng. Phụ nữ còn gặp khó khăn và rào cản về định kiến giới, sự quan tâm chia sẻ của đồng nghiệp, người quản lý trực tiếp.
"Trong văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII có nội dung xây dựng người phụ nữ hiện đại, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập hiện nay. Đây là một trong cơ hội mà phụ nữ phải nắm lấy, cân đối hài hòa giữa việc thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ và quỹ thời gian để đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thành hai vai," bà Hà Thị Nga nêu quan điểm.
Theo Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, phụ nữ cần nhận được chia sẻ từ gia đình, từ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, người sử dụng lao động… để họ có điều kiện hoàn thiện kỹ năng, tự tin thực hiện nhiệm vụ và có cơ hội tham chính tốt hơn, đồng nghĩa với việc thực hiện tốt cam kết về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian tới.
Một trong những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của phụ nữ trong thời kỳ mới, như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ ra đó là các cấp Hội phải kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn giới thiệu những chị em có đủ tiêu chuẩn tham gia các cấp ủy đảng, chính quyền và các ban, bộ, ngành từ Trung ương đến cơ sở, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý, đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Nhiều chuyên gia nghiên cứu về bình đẳng giới cho rằng để hiện thực hóa quyền tham chính của phụ nữ cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị với nhiều giải pháp đồng bộ, trong đó vấn đề hoàn thiện luật pháp, chính sách về bình đẳng giới, sửa đổi những chính sách hiện hành trên nguyên tắc bình đẳng thực chất, không phân biệt đối xử và tạo thúc đẩy cơ hội bình đẳng giới là điều quan trọng đầu tiên.
Theo bà Vương Thị Hạnh, Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao Năng lực phụ nữ, cần sửa đổi những quy định về quy hoạch, đào tạo bổ nhiêm cán bộ trên quan điểm giới, phù hợp với luật bình đẳng giới và áp dụng những chính sách riêng phù hợp tạo cơ hội phát triển và thăng tiến của phụ nữ; đẩy mạnh việc tạo nguồn cán bộ và đảm bảo tỷ lệ cân bằng nam, nữ thông qua mở rộng dân chủ trong phát hiện, giới thiệu những cán bộ tiềm năng.
Chia sẻ những giải pháp nhằm phát huy năng lực của phụ nữ, bà Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương cho rằng cần lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong quá trình xây dựng chính sách, chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tạo tiền đề để thực thi bình đẳng giới; xây dựng mạng lưới, câu lạc bộ dành cho nữ lãnh đạo, quản lý để các chị em có điều kiện trao đổi, học hỏi kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, khảo sát, đánh giá về thực trạng đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý cấp Trung ương và cấp địa phương; xây dựng kế hoạch và quy hoạch bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương trên cơ sở lồng ghép giới và sự tiến bộ của phụ nữ, gắn với quá trình tham gia xây dựng luật, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến bình đẳng giới.../.