Quyết định mạo hiểm
Đến thăm xưởng sản xuất của Công ty CP AKZ, ngắm nhìn những chiếc đèn hình hoa sen, hoa cúc, chiếc nơm, cái đó… tôi khá bất ngờ khi được biết những chiếc đèn lung linh, mềm mại đó được tạo nên từ vật liệu thô cứng là gỗ. Thú vị hơn nữa, những chiếc đèn gỗ đó được tạo ra từ bàn tay và trí tuệ của một chàng kỹ sư tự động hóa.
Tốt nghiệp trường Đại học Điện Lực, Đinh Đức Thắng không đi theo chuyên ngành mình được đào tạo bài bản mà lại rẽ ngang sang làm kinh doanh. Thắng từng thử sức làm rất nhiều nghề, từ nhân viên kinh doanh bất động sản, kinh doanh thời trang, bán hàng online, đến bán hàng trên các sàn thương mại điện tử… Tích lũy được kinh nghiệm, Thắng bắt đầu ấp ủ mong muốn xây dựng một sự nghiệp của riêng mình với một ý tưởng mang tính đột phá.
Trong một lần đi du lịch ở Mai Châu tình cờ nhìn thấy chiếc đèn lồng trong một quán cà phê, Thắng đã nảy ra ý tưởng thú vị sẽ kết hợp giữa đèn và gỗ. Sau một thời gian tìm hiểu sản phẩm tương tự của một số nước, năm 2016 Thắng quyết định bắt tay vào sản xuất đèn gỗ với việc thành lập Công ty CP AKZ.
Quyết định thành lập công ty được cho là một sự mạo hiểm và dũng cảm của Thắng vào thời điểm bấy giờ. Bởi đây là một sản phẩm mới trên thị trường Việt Nam, mặt khác Thắng lại chưa có kiến thức về quản lý DN.
“Thời gian đầu, tôi gặp rất nhiều khó khăn, luẩn quẩn trong mớ bòng bong không biết phải bắt đầu từ đâu, làm gì và làm như thế nào” – Thắng tâm sự. Tuy nhiên, với lợi thế là một kỹ sư điện lực chuyên ngành tự động hóa, Thắng đã làm quen với công việc khá nhanh, bắt tay vào thiết kế, sau đó là ứng dụng tự động hóa để tạo hình. Quy trình tự động hóa được lập trình sẵn từ khâu tạo mẫu sản phẩm, thiết kế trên phần mềm 3D, sau đó máy cắt laser sẽ cắt. Bằng sự kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình sản xuất, sản phẩm đạt chất lượng cao nhưng vẫn đảm bảo về số lượng lớn để cung cấp cho thị trường.
Chọn mặt gửi vàng
Sau khi giải quyết xong bài toán về sản phẩm, Thắng lại phải đối mặt với việc bán sản phẩm như thế nào. Thắng kể: Với quan niệm “khách hàng là những người mua hàng”, tôi tìm đến tất cả các cửa hàng, đại lý để xin ký gửi đại trà sản phẩm.
Tuy nhiên, đây là một sai lầm khi đã lựa chọn sai đối tượng khách hàng. Bởi, muốn làm chuyên nghiệp cần phải xác định lại đối tượng khách hàng, xác định lại mục tiêu tiếp cận khách hàng. “Khi khách hàng không phải bỏ vốn ra đầu tư thì họ sẽ không có tâm huyết bán sản phẩm và chỉ coi đó là một cuộc dạo chơi” – Thắng cho hay.
Sau 6 tháng đưa hàng ra thị trường, hàng không bán được, vốn tồn đọng ở hàng trưng bày khá nhiều đã khiến DN của Thắng rơi vào khủng hoảng. Lúc này Thắng mới ngồi lại và rút ra rằng, cần phải thay đổi mục tiêu tiếp cận khách hàng, tìm hiểu kỹ khách hàng trước khi ký gửi sản phẩm.
Theo đó, đối tượng “khách vàng” mà Thắng hướng tới không phải nhóm khách lẻ mà là những nhóm kiến trúc sư, cửa hàng bán đèn và đội thợ thi công. Đây sẽ là những khách hàng tiềm năng, bởi họ là người trực tiếp tiếp cận và định hướng sự lựa chọn cho khách hàng của họ. Khi có nhóm khách hàng chất lượng, lúc này Thắng sử dụng chiến lược tặng sản phẩm cho khách hàng hoặc bán cho khách hàng với giá thấp và luôn trưng cầu ý kiến đóng góp của khách hàng để cải tiến sản phẩm.
Với sự kết hợp giữa 2 thế mạnh đó là giá trị văn hóa Việt trong từng sản phẩm và ứng dụng công nghệ trong sản xuất, sản phẩm đèn gỗ mang thương hiệu AKZ đã tìm được cho mình chỗ đứng trên thị trường. Hiện trung bình mỗi ngày công ty có thể sản xuất ra từ 300 – 500 sản phẩm. Công ty đã xây dựng được hơn 20 đại lý ở các tỉnh, thành phía Bắc, tạo công ăn việc làm cho 6 công nhân. Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Thắng cho biết sẽ tiếp tục nâng công suất lên khoảng 2.000 sản phẩm/ngày và phát triển đại lý ở 63 tỉnh trên cả nước. Mục tiêu xa hơn mà Thắng hướng tới là xuất khẩu sản phẩm đèn gỗ của mình ra nước ngoài.