Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi thông các nguồn lực, hướng tới tầm nhìn mới

Nguyễn Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những kết quả của năm 2024 là nền tảng vững chắc để TP tự tin bước sang năm 2025, năm về đích của kế hoạch 5 năm với những mục tiêu lớn hơn.

Trong đó, Hà Nội tiếp tục thực hiện chủ đề của năm là “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”, tạo bước chuyển mạnh mẽ, đột phá ngay từ cơ sở.

Năm 2025 đánh dấu bước chuyển quan trọng khi Luật Thủ đô 2024 chính thức có hiệu lực, mở ra nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Hà Nội đã và đang ban hành các nghị quyết, kế hoạch và phối hợp với các bộ, ngành T.Ư xây dựng các nghị định để triển khai thi hành Luật, để những điều kiện mới, cơ chế mới, cùng với quyết tâm mới, sẽ trở thành những nguồn lực thúc đẩy Thủ đô bứt phá trong kỷ nguyên mới.

Năm 2025 cũng là năm đầu triển khai thực hiện nhiều nhiệm vụ có tính chiến lược: Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được ban hành. TP sẽ cụ thể bằng các nhiệm vụ, chương trình, dự án, công trình gắn với khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đất đai, tài sản công.

Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cùng các đại biểu tham quan triển lãm bên lề Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024. Ảnh Phạm Hùng
Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cùng các đại biểu tham quan triển lãm bên lề Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024. Ảnh Phạm Hùng

Đồng thời, chuẩn bị các cơ chế, chính sách phát triển tăng tốc, đột phá cho giai đoạn phát triển 2026 - 2030 và năm 2025; xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công và các chương trình, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực 5 năm 2026 - 2030 gắn với “tầm nhìn mới - tư duy mới toàn cầu, tư duy Thủ đô và hành động Hà Nội”.

Với những mục tiêu đã được đề ra như: tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) từ 6,5% trở lên; GRDP bình quân đầu người 172,4 triệu đồng trở lên; vốn đầu tư thực hiện trên địa bàn tăng 10,5% trở lên; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tăng 5% trở lên..., TP tiếp tục triển khai các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực chất, huy động mọi nguồn lực cho mục tiêu phát triển.

 

Trong xây dựng chính quyền số, thành phố thông minh, hạ tầng số, nhiều nội dung lớn Hà Nội đã hoàn thành. Năm 2024, tại Hội nghị thành phố thông minh Việt Nam - châu Á 2024, Hà Nội được trao 2 giải Nhất trong lĩnh vực “Thành phố hạ tầng thông minh” và “Thành phố dịch vụ công thông minh”. Trong thời gian tới, TP tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số toàn diện với 3 trụ cột (chính quyền số, kinh tế số và xã hội số) và 2 nền tảng (dữ liệu số và văn hóa số), trong đó giải pháp là bám sát tư tưởng chỉ đạo trong định hướng chiến lược của đồng chí Tổng Bí thư là lấy người dân, DN làm trung tâm phục vụ, coi chuyển đổi số là chìa khóa để phát triển nhanh, bền vững.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh đã chỉ rõ, năm 2025 là năm cuối của kế hoạch 5 năm, có nhiều ngày kỷ niệm lớn của đất nước, năm thực hiện nhiều chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước, do đó, các cấp, ngành phải có nhận thức, tư tưởng thông suốt, rõ ràng trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ để tạo đà thực hiện tốt nhiệm kỳ 2025 - 2030. Đồng thời, làm tốt công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách, và có cách tiếp cận khác về thực hiện quy trình nội bộ, nhằm đạt cao nhất các mục tiêu tăng trưởng đã đề ra; phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP của TP đạt hai con số.

Theo đó, Hà Nội tiếp tục tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, huy động, khơi thông mọi nguồn lực bên trong, bên ngoài, tập trung phát triển kinh tế - xã hội gắn với chuyển đổi xanh, coi đây là chìa khóa để đột phá, bứt tốc phát triển bền vững.

Ngoài ra, ưu tiên xây dựng, tạo bước đột phá mạnh hơn nữa về hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị đồng bộ và hiện đại, thông minh và kết nối; Cùng với đó, tiếp tục thực hiện các nghị quyết chuyên đề, đề án lớn của Thành ủy trong đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền; đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy; tăng cường kết nối vùng; phân bố các không gian phát triển kinh tế - xã hội; phát triển công nghiệp văn hóa, du lịch Thủ đô trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Tập trung tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng số, hình thành dữ liệu lớn, phát triển các ứng dụng công nghệ mới; đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số và nâng cao kiến thức, phát triển kỹ năng số cho người dân xây dựng xã hội số, xã hội thông minh… tạo thành động lực mới, xung lực mới, khơi thông các nguồn lực mới.