Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi thông “con đường tơ lụa” trên sông Cổ Cò

Nguyễn Đức Lập -Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam và TP Đà Nẵng vừa thống nhất phương án nạo vét, khớp nối thông luồng sông Cổ Cò trước tháng 9/2019.

Dự án nhận được sự quan tâm lớn của người dân hai địa phương cũng như các nhà đầu tư. 
Tuyến hàng hải an toàn, quan trọng bậc nhất một thời
Sông Cổ Cò nằm giáp ranh giữa Đà Nẵng và Quảng Nam, chạy dọc và uốn lượn theo tuyến đường ven biển, nối Cửa Đại - Hội An ra Cửa Hàn - Đà Nẵng. Xưa kia (vào khoảng thế kỷ XVI, XVII) đây là tuyến hàng hải an toàn, quan trọng bậc nhất làm nên một thương cảng Hội An sầm uất, trên bến dưới thuyền, nhộn nhịp người mua bán; góp phần xây dựng nền kinh tài vững chãi cho các đời Chúa Nguyễn trong hành trình mở rộng về phương Nam.
 Khơi thông dòng sông Cổ Cò là khơi thông mạch nguồn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đà Nẵng và Quảng Nam. Ảnh: Đức Lập
Theo thời gian, dòng sông bị bồi lấp bởi nhiều yếu tố khác nhau, có thể do sự thay đổi về dòng chảy tự nhiên hoặc ảnh hưởng từ các cuộc chiến tranh và sự tác động không nhỏ từ con người. Song dấu vết về dòng sông xưa vẫn còn nguyên vẹn với những ao hồ, nhiều khu bồi đắp thấp trũng…
Nhận thấy được tiềm năng, giá trị và hiệu quả kinh tế to lớn mang lại từ việc khơi thông dòng chảy, nối liền mạch từ cửa Hàn vào cửa Đại cho sông Cổ Cò, từ đầu những năm 2000, lãnh đạo TP Đà Nẵng đã đưa việc nạo vét, khơi thông dòng chảy vào quy hoạch tổng thể. Cho đến nay, đoạn chảy qua Đà Nẵng đã gần như cơ bản được khơi thông, chỉ còn cục bộ một đoạn vẫn đang trong quá trình triển khai. Tại Quảng Nam, từ cuối năm 2012, UBND tỉnh đã phê duyệt dự án nạo vét sông. Tuy nhiên cho đến nay, dự án vẫn chưa được hiện thực hóa, còn rất nhiều đoạn chưa được thi công và phải chờ đợi.
Cú hích mạnh mẽ
Đến thời điểm hiện tại, có lẽ mỗi người dân nơi đây đều nhận thấy được tiềm năng to lớn cùng nhiều tác động tích cực, kích thích sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch nói riêng, nền kinh tế - xã hội nói chung tại khu vực Đà Nẵng và Quảng Nam nếu như dòng sông Cổ Cò được khơi thông, quy hoạch đồng bộ, đầu tư bài bản.

Dự án nạo vét sông Cổ Cò, đoạn qua địa bàn thị xã Điện Bàn, TP Hội An, tỉnh Quảng Nam dài hơn 19,7km được đầu tư 1.000 tỷ đồng. Trong đó, dự án nạo vét, thoát lũ khẩn cấp sông Cổ Cò đoạn qua địa bàn TP Đà Nẵng với mức đầu tư 585 tỷ đồng. Phía tỉnh Quảng Nam đưa ra phương án nạo vét lòng sông rộng 90m, cùng với việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng 2 bên bờ sông và xây dựng 4 cây cầu nối 2 bờ Đông - Tây của sông Cổ Cò.

Một số lợi ích dễ dàng nhận thấy là: Thứ nhất, nơi đây sẽ hình thành tuyến du lịch trên sông sầm uất, góp phần tạo nên các loại hình sản phẩm du lịch độc đáo, khác lạ; thu hút và níu chân du khách. Các điểm dừng chân, các bến thuyền ven sông sẽ hòa cùng cảnh quan tươi đẹp của dải đô thị ven sông nối liền Đà Nẵng tươi trẻ, năng động bậc nhất Việt Nam và đô thị cổ Hội An cổ kính, trầm mặc. Thứ hai, TP du lịch Hội An sẽ dần giải tỏa được áp lực về hạ tầng dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú và các dịch vụ khác. Từ đó góp phần bảo tồn tốt hơn không gian đô thị cổ. Những di tích văn hóa, lịch sử; các vùng đệm, những cánh đồng, không gian cây xanh quanh phố cổ… và những giá trị đã tạo nên thương hiệu Hội An đầy bản sắc mà nhiều người yêu mến sẽ được phát huy, gìn giữ tốt hơn.
Thứ ba, nếu triển khai sớm dự án khơi thông, dòng sông Cổ Cò sẽ tạo nên cú hích vô cùng mạnh mẽ, thúc đẩy thị trường BĐS trầm lắng tại khu vực trong thời gian gần đây tăng trưởng trở lại để từ đó gia tăng nguồn thu cho ngân sách. Nhiều lợi ích là rất rõ ràng và dễ dàng nhận thấy song việc thực thi chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn khi giá cả thị trường BĐS trong những năm qua tăng trưởng đột biến và đang ở mức cao nên công tác giải tỏa đền bù, tái định cư cho người dân vùng dự án sẽ gặp không ít thử thách. Song song với đó là các thủ tục hành chính thường bị kéo dài thời gian hơn, chi phí thực hiện dự án sẽ tăng thêm khiến cho nhà đầu tư e ngại.
Được biết, UBND TP Đà Nẵng và Quảng Nam đã có thêm một lần họp mặt để thống nhất chủ trương khơi thông sông Cổ Cò. Chính phủ cũng đã có phân bổ cho Quảng Nam 340 tỷ đồng trên tổng số 1.000 tỷ đồng cho toàn dự án nạo vét sông Cổ Cò đoạn Quảng Nam. HĐND TP Đà Nẵng cũng đã thông qua chủ trương đầu tư nạo vét sông Cổ Cò với mức vốn 585 tỷ đồng. Hai bên cũng đã thống nhất khơi thông và hợp dòng trước tháng 9/2020.
Khơi thông dòng sông Cổ Cò là khơi thông mạch nguồn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của cả vùng Đà Nẵng và Quảng Nam. Một viễn cảnh làm cho chúng ta gợi nhớ đến thương cảng Hội An thịnh vượng, sầm uất, tấp nập tàu thuyền ra vào đang dần hiện ra trước mắt.
Để không phải lỗi hẹn về việc khơi thông dòng sông Cổ Cò thêm một lần nữa; đồng thời khai thác tối ưu hiệu quả và mang lại nhiều giá trị bền vững cho cộng đồng, người dân rất cần sự hợp tác chặc chẽ của hai địa phương trong sự thống nhất quy hoạch chung, đồng bộ, hài hòa lợi ích để làm nên một “con đường tơ lụa” trên sông tại mảnh đất miền Trung thân yêu.