“Bệ đỡ” của nền kinh tế
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến cho biết, quận Tây Hồ có diện tích 2.439ha với dân số hơn 170.000 người, 8 đơn vị hành chính phường. Đảng bộ quận có 56 tổ chức cơ sở Đảng, hơn 9.300 đảng viên. Những năm qua, kinh tế quận tiếp tục duy trì ổn định và phát triển, trong đó, năm 2023 tăng 14,6% và tổng thu ngân sách đạt 119% kế hoạch. Sự nghiệp văn hóa - xã hội được quan tâm phát triển toàn diện.
Cụ thể, quận đã thường xuyên quan tâm, đầu tư 56 dự án phát triển công nghiệp văn hóa với tổng mức đầu tư gần 2.000 tỷ đồng; có nhiều mô hình mới cho phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn. Sự nghiệp GD&ĐT được chăm lo thường xuyên, với 27/27 trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Trên địa bàn quận không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo theo chuẩn của TP. Chỉ số cải cách hành chính, chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân của quận đứng thứ 4/30 quận, huyện. 100% các phường trên địa bàn quận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật…
Đặc biệt, theo Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Đình Khuyến, hiện nay quận Tây Hồ đang tập trung bảo tồn, khai thác tối đa những giá trị mà thiên nhiên đã ưu đãi cho quận là Hồ Tây và hệ thống di tích văn hoá lịch sử dày đặc trên địa bàn để xây dựng quận thành trung tâm dịch vụ, du lịch, văn hoá của Thủ đô. Với mục tiêu đó, quận Tây Hồ đã tạo mọi điều kiện thuận lợi, khuyến khích và ưu tiên các DN, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, văn hóa, ẩm thực góp phần quảng bá hình ảnh quận Tây Hồ vừa hiện đại, văn minh vừa giàu truyền thống, bản sắc văn hóa.
Đồng thời, triển khai thực hiện các đề án nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống: “Điểm du lịch, dịch vụ văn hóa và phục dựng mô hình làng nghề giấy Dó, phường Bưởi”; “Phát triển trồng hoa sen trên một số hồ nhỏ khu vực xung quanh Hồ Tây”; “Trung tâm giới thiệu và thưởng thức trà sen Tây Hồ phường Quảng An”; “Phát triển làng nghề hoa đào Nhật Tân, quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”… Đặc biệt, quận đã hoàn thành và trình các cơ quan chức năng phê duyệt Đề án bảo tồn, phát huy giá trị Hồ Tây và vùng phụ cận cũng như phương án cải thiện chất lượng môi trường nước, cải thiện không gian sinh sống của các loài thủy sản; giám sát chặt chẽ nguồn nước thải xung quanh hồ… để đảm bảo sự phát triển bền vững của quận Tây Hồ nói chung và Hồ Tây nói riêng.
Thành phố luôn đồng hành cùng Tây Hồ phát triển
Tại buổi làm việc của Thường trực Thành uỷ Hà Nội với Quận uỷ Tây Hồ về kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị giai đoạn 2020 – 2023, nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2024 – 2025 và những năm tiếp theo diễn ra mới đây, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu quận Tây Hồ phải sớm thành lập được Ban quản lý Hồ Tây với Đề án phát triển nghiêm túc, bài bản. Để phát triển không gian văn hóa Hồ Tây cả về cả tâm linh, môi trường, mua sắm, gắn với văn hóa Hồ Tây… phải có cách làm đồng bộ, bài bản, giải quyết được tình trạng ô nhiễm môi trường nước, hạ tầng khu vực hồ, các tuyến giao thông kết nối.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, quận có thể nghiên cứu phương án xây dựng những khu phố điển hình để người dân có thể hoán đổi, chia lại không gian sống, tổ chức lại trật tự đô thị. Từ đó tạo không gian mới để người dân được tham gia vào quá trình phát triển đô thị. TP sẽ đồng hành, hỗ trợ, tạo điều kiện để quận triển khai thực hiện.
Trong khi đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến lưu ý quận Tây Hồ sớm triển khai một số dự án như: dự án xây dựng tuyến đường ngoài đê sông Hồng trên địa bàn quận Tây Hồ, góp phần giải quyết ách tắc trên tuyến Âu Cơ; dự án Nhà hát Opera tại khu Đầm Trị, Khu văn hóa đa năng Quảng An để nâng cao giá trị khu vực Hồ Tây. Cùng với đó, tiếp tục đầu tư xây dựng không gian văn phố đi bộ Trịnh Công Sơn để tổ chức các sự kiện của TP và quốc gia… để khai thác lợi thế của Hồ Tây và khu vực bãi sông Hồng.
Tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đánh giá cao những kết quả của quận Tây Hồ đã đạt được trong thời gian qua, thể hiện rõ khát vọng phát triển của quận. “Quận luôn đi tiên phong trong thực hiện các chỉ đạo của T.Ư, TP; không trông chờ, ỷ lại và né tránh trách nhiệm trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao” – Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhấn mạnh.
Về nhiệm vụ thời gian tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị, quận phải giữ gìn và khơi thông được giá trị Hồ Tây và khu vực xung quanh Hồ Tây. Coi đây là nguồn lực để phát triển bền vững của quận. Để quản lý và khai thác tốt tiền năng của Hồ Tây, quận phải xây dựng Đề án tổng thể, đồng bộ với sự tham gia của các sở, ngành để chung tay giải quyết các vấn đề về môi trường, hạ tầng, cảnh quan. Đồng thời khẳng định, TP luôn đồng hành với quận trong vấn đề tăng cường nguồn lực để thực hiện các nhiệm vụ đề ra.
Quận Tây Hồ đã mạnh dạn, kiên trì và định hình một số công việc theo đúng định hướng. Với sự phân cấp, ủy quyền của TP và định hướng phát triển của quận, sẽ góp phần khai thông một số vướng mắc không chỉ của quận mà của cả những quận, huyện khác.
Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong