Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi thông nguồn lực cho khoa học công nghệ

Thảo Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu khơi thông được nguồn lực xã hội đầu tư cho hoạt động KHCN và đổi mới sáng tạo thì việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học đổi mới công nghệ (ĐMCN) sẽ có một bức tranh hoàn toàn khác so với giai đoạn trước.

Thông tin về giải pháp cụ thể khơi thông nguồn lực cho hoạt động KHCN, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ KH&CN Lê Xuân Định cho biết, nguồn lực xã hội (DN tư nhân) là đối tượng được huy động để đầu tư KHCN cho dù đó là quy mô DN lớn hay nhỏ thì đây cũng là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Bởi trong phát triển kinh tế hiện đại, các DNVVN được xác định là đối tượng năng động nhất, có khả năng thay đổi cao nhất để đáp ứng và phát huy các lợi thế, cạnh tranh về CN cao, CN mới, CN hiện đại. Chính vì vậy, việc tham gia của lực lượng DN này có vai trò quan trọng với năng lực cạnh tranh của một nền kinh tế.
Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ KH&CN Lê Xuân Định phân tích, nếu huy động nguồn lực bằng công cụ thuế: Khi nào có ưu đãi thuế thì điều đó tạo ra sức hấp dẫn và trở thành nhu cầu tự thân của DN. Với cách tiếp cận đó, thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ phối hợp với các đơn vị của Bộ Tài chính tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện và sửa đổi các nội dung liên quan thuế thu nhập DN. Hiện nay, thuế thu nhập DN đang áp dụng mức 10% với các hoạt động liên quan đến sản phẩm kết quả kinh doanh từ các hoạt động KHCN  ứng dụng CN cao, đổi mới CN…
 Hình minh họa. Nguồn internet.
Ngoài ra, huy động nguồn lực theo hướng tiếp cận để phù hợp và tương thích với Luật DNVVN.
Theo đó, có 2 loại DN sẽ hưởng ưu đãi: Đó là các DN siêu nhỏ kinh doanh dưới 3 tỷ đồng thì sẽ được hưởng thuế suất là 15%. Còn dưới 200 tỷ đồng là DNNVV sẽ được hưởng thuế suất 17%. Tuy nhiên, Quốc hội đang sửa đổi ưu đãi về thuế theo Nghị quyết 25 (năm 2016) là khuyến khích đầu tư vào các ngành sản xuất  có giá trị gia tăng lớn, các ngành công nghiệp hỗ trợ sử dụng CN cao, CN sinh học… thì chắc chắn đầu tư cho đổi mới khoa học phát triển CN và đổi mới sáng tạo là những ngành đầu tư sẽ tạo ra sản phẩm có giá trị gia tăng lớn.
Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới là ngoài các ưu đãi thuế trực tiếp, các nước cũng có hình thức ưu đãi thuế cho DN khi đầu tư cho nghiên cứu và ĐMCN. Nghĩa là khi xác định được nội hàm của hoạt động đó thì sẽ được thêm tỷ lệ phần trăm trong ưu đãi về thuế thu nhập DN. “Nên đây là định hướng quan trọng nhất, Bộ KH&CN sẽ tiếp cận trong thời gian tới”, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính nhấn mạnh.
Cũng theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ KH&CN, nhiệm vụ tiếp theo là làm sao khơi thông nguồn lực. VD: Có nhiều DN trích lập quỹ KHCN nhưng việc sử dụng quỹ rất khó khăn (do cách tiếp cận). Nên sắp tới, hy vọng với cách tiếp cận mới, việc sử dụng quỹ sẽ được giải đáp tốt hơn.
Liên quan đến câu chuyện coi ai là trung tâm, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính Bộ KH&CN cho rằng, nếu như trước đây, coi Viện nghiên cứu, các trường đại học là trung tâm, làm đề tài thì nay nhu cầu đổi mới CN của chính các DN là trung tâm cho việc sử dụng quỹ KHCN.
Đây là nội dung trong Nghị quyết 02, Chính phủ đã giao cho Bộ KH&CN và Bộ Tài chính sẽ phải sửa đổi, bổ sung các quy định của quỹ để nâng cao tính tự chủ của DN trong sử dụng quỹ cho nhu cầu đổi mới CN của chính DN cũng như nhu cầu một số DN có nhu cầu đầu tư cho các DN khởi nghiệp. Đây cũng là một hình thức khơi thông nguồn lực cho hoạt động ĐMCN.
Ngoài ra, còn có các hoạt động khác, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục tập trung: Coi việc đầu tư, phát triển tiềm lực KHCN ở chính DN là việc quan trọng của quốc gia. Bởi thực tế cho thấy, quốc gia có nền KHCN phát triển thì tiềm lực KHCN quốc gia đó nằm ở các DN và các DN lớn. Với DN tư nhân ở Việt Nam, đã có hàng loạt các DN lớn chuyển thành các tập đoàn CN. Nếu khơi thông được nguồn lực, thì việc đầu tư vào nghiên cứu khoa học ĐMCN sẽ có một bức tranh hoàn toàn khác so với giai đoạn trước.