Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khơi thông những điểm nghẽn

Hà Bình
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sốt ruột trước tình trạng “có tiền mà không tiêu được”, thời gian vừa qua, liên tục các hội nghị thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã được tổ chức từ T.Ư đến các địa phương. Tại Hà Nội, một phiên giải trình về vấn đề này vừa được tổ chức, câu hỏi vì sao chậm giải ngân tại nhiều dự án trọng điểm đã được đưa ra mổ xẻ, phân tích, có thể thấy rằng, cùng với những nguyên nhân khách quan, có cả nguyên nhân chủ quan từ trách nhiệm của người trong cuộc.

 Ảnh minh họa
Thực hiện tốt kế hoạch đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ với TP mà với cả nước, bởi vốn đầu tư công của TP giai đoạn này chiếm tỷ trọng tới 10% vốn của cả nước. Do đó, trong những tháng qua, trước tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm hơn thường lệ, Thành ủy, UBND TP đã liên tục tổ chức giao ban, rà soát, đốc thúc, quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ từng dự án cụ thể. HĐND TP cũng tiến hành giám sát về vấn đề này. TP cũng ưu tiên nguồn lực cho đầu tư công, nhanh chóng hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án khởi công mới… Cùng với đó, TP cũng đã làm việc với một số bộ, ngành T.Ư, trong đó có nội dung tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công… Tuy nhiên, nhìn vào kết quả có thể thấy, dù không quá thấp, nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP vẫn chưa đạt yêu cầu đề ra. Chính thực trạng đó, ít nhiều cũng tạo ra những “điểm nghẽn” trong phát triển kinh tế - xã hội của TP.
Nhiều nguyên nhân đã được chỉ ra, lý giải cho tình trạng chậm này, từ những tác động của dịch Covid-19 còn có cả nguyên nhân chủ quan từ các đơn vị. Đơn cử như sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các đơn vị chức năng trong GPMB, hoàn thiện thủ tục. Chính các đại biểu, lãnh đạo các ban quản lý dự án và cả chính quyền địa phương cũng thừa nhận sự “chưa nhịp nhàng” là nguyên nhân khiến nhiều dự án chậm tiến độ. Trong đó, một số vấn đề cũng được chỉ rõ như trong GPMB có 44/107 dự án còn chậm chủ yếu do quận huyện, nhưng chậm trễ trong phối hợp giữa các ngành thì thể hiện ở 64/107 dự án. Rõ ràng quá trình tổ chức triển khai thực hiện chưa đáp ứng yêu cầu, chưa hiệu quả, nên có những dự án được nêu không vướng gì nhưng cũng mới giải ngân được 30 - 40%.
Với các địa phương, trong đó có Hà Nội, giải ngân vốn đầu tư công hiện đang là “cửa” sáng nhất trong các “mũi giáp công” trong hồi phục nền kinh tế sau đại dịch Covid-19. Do đó, việc nỗ lực, có những giải pháp thấu đáo để gỡ khó từng dự án, thúc đẩy trách nhiệm là vấn đề được người dân đặc biệt quan tâm. Nhìn từ phiên giải trình có thể thấy, cùng với những “lời hứa”, nhiều giải pháp cũng đã được gợi mở để khắc phục. Trong đó, TP sẽ phân loại cụ thể, dự án nào không hấp thụ được vốn, sẽ có điều chỉnh phù hợp; tăng cường điều hành, giám sát theo hướng giải quyết vướng mắc ngay tại công trường. Đi kèm với đó, kiểm tra công vụ, xử lý những đơn vị không đủ năng lực, cá nhân cố tình cản trở, gây khó khăn hoặc không khắc phục khó khăn, làm chậm tiến độ giải ngân…
Đặc biệt, việc phát huy tính năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm trong công tác đẩy nhanh giải ngân của lãnh đạo các địa phương, đơn vị là điều nhiều người kỳ vọng, bởi thực tế đây là giải pháp khá hiệu quả. Người dân mong muốn những “lời hứa” trong phiên giải trình và sự vào cuộc giám sát, kiểm tra liên tục của HĐND TP, các cơ quan chức năng sẽ giúp khơi thông “điểm nghẽn”.