Ngày 23/6, tại xã Thanh Thủy (huyện Thanh Hà), tỉnh Hải Dương đã xuất khẩu lô vải khoảng 1,2 tấn đi Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên quả vải thiều tươi của Hải Dương được xuất khẩu sang nước này. Trước đó ít ngày, toàn bộ 2 tấn vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản vào ngày 20/6 đã bán hết chỉ trong ngày 21/6. Thậm chí, nhiều người tiêu dùng Nhật dù rất muốn nếm thử trái vải thơm ngon của Việt Nam đã phải hụt hẫng vì chậm chân.
Tin vui nối tiếp tin vui. Ngày 22/6, tỉnh Sơn La tổ chức công bố xuất khẩu lô xoài đầu tiên của tỉnh này sang Mỹ. Theo đó, 30 tấn xoài tượng da xanh canh tác theo tiêu chuẩn VietGAP đã được thị trường Mỹ đón nhận. Cách đây không lâu, xoài cát của tỉnh Đồng Tháp cũng đã vào được thị trường khó tính này.
Kể từ khi trái thanh long được thị trường Mỹ đón nhận vào năm 2008, đến nay trái cây Việt Nam đã được xuất khẩu sang hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều thị trường khó tính như: Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc… Cùng với xoài và vải thiều, 4 loại trái cây khác gồm thanh long, chôm chôm, nhãn, vú sữa cũng đã tiếp cận được với rất nhiều thị trường trên khắp thế giới.
Việc trái xoài tiếp tục đi sâu vào thị trường Mỹ, hay vải thiều tươi lần đầu xuất khẩu sang Nhật Bản là tiền đề mở ra những cơ hội để trái cây Việt Nam có thể vào được vào những thị trường khó tính khác. Không chỉ thâm nhập, trái cây xuất khẩu của Việt Nam còn chiếm được cảm tình của người tiêu dùng tại những quốc gia đặt chân đến. Điều đó cho thấy, chất lượng của trái cây Việt Nam không hề thua kém sản phẩm cùng loại đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác.
Mỹ, Nhật Bản được xem là những thị trường khó tính với nhiều quy định khắt khe về chất lượng hàng nhập khẩu nói chung, hàng nông sản nói riêng, đặc biệt là trái cây tươi sống. Để trái cây có thể tiếp cận được sâu rộng và đa dạng các thị trường, không thể phủ nhận những nỗ lực của ngành nông nghiệp thời gian qua. Ở đó, các đơn vị thuộc Bộ NN&PTNT đã chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính quyền các tỉnh, TP để tổ chức sản xuất, bảo đảm tạo ra và cung ứng cho nhu cầu xuất khẩu những nông sản tốt nhất, có khả năng đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của các quốc gia tiên tiến.
Cùng với việc nỗ lực để nâng cao chất lượng nông sản, việc chủ động trong phối hợp với các đối tác xuất khẩu cũng là điều rất đáng ghi nhận. Đơn cử như với xuất khẩu vải thiều thời gian qua, Bộ NN&PTNT đã mất rất nhiều năm đàm phán với đối tác; phối hợp cùng chính quyền địa phương giám sát sản xuất; cùng DN xây dựng quy trình xử lý quả vải theo yêu cầu từ phía Nhật Bản. Bộ cũng đã chủ động xin ý kiến của Chính phủ tạo điều kiện để chuyên gia Nhật Bản có thể sang giám sát chất lượng vải trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp tại quốc gia này.
Việc Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thời gian tới mở ra những cơ hội cũng như thách thức đối với xuất khẩu trái cây. Ở đó, vai trò nắm bắt xu thế thị trường cũng như các điều kiện nhập khẩu để từng bước tháo gỡ là vấn đề cần được ngành nông nghiệp tiếp tục quan tâm. Đồng thời tiếp tục hỗ trợ DN tham gia liên kết tiêu thụ sản phẩm, tiến tới mở rộng các thị trường xuất khẩu cho trái cây Việt.