Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Khối văn hóa - xã hội: Tiếp tục rà soát, điều chỉnh để hoàn thành mục tiêu

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - “Hà Nội luôn là địa phương đi đầu cả nước về phát triển xã hội, trật tự an toàn xã hội.

Tuy nhiên, các ngành cần tiếp tục rà soát, điều chỉnh các tiêu chí để hoàn thành mục tiêu đề ra trong 6 tháng cuối năm” -  Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chỉ đạo trong buổi tổng kết 6 tháng đầu năm khối văn hóa, xã hội, đề ra nhiệm vụ giải pháp 6 tháng cuối năm 2016 diễn ra sáng 4/7.
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Loan
Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Thanh Loan
Bảng báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2016 của khối văn hóa, xã hội đều ghi nhận những con số đáng mừng ở tất cả các ngành. Không chỉ du lịch đón 1,3 triệu lượt khách quốc tế, đạt doanh thu 38 tỷ đồng; các đề án Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời trên địa bàn TP đến năm 2020, đề án Tổng kiểm kê bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể và các di tích đã hoàn thành; mà giáo dục Thủ đô tiếp tục là đơn vị đứng đầu toàn quốc về chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn; 146/172 học sinh dự thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp quốc gia đạt giải. Bên cạnh đó, ngành y tế đã không để xảy ra dịch bệnh lớn, ngành LĐTB&XH rà soát, đưa tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều từ hơn 7% xuống còn 3,64%… Theo đánh giá của Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý: “2016 là năm đầu tiên Hà Nội triển khai thực hiện các tiêu chí phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Cùng với phát triển kinh tế, các mặt xã hội của Thủ đô tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo phát triển tốt. Hà Nội luôn là địa phương đi đầu cả nước về phát triển xã hội, trật tự an toàn xã hội, các chính sách xã hội được quan tâm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao”.

Tuy nhiên, dưới góc độ quản lý ngành văn hóa, ông Tô Văn Động – Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội thừa nhận: “Những thành tích đạt được trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" còn mang tính phong trào, chưa đạt chất lượng như mong muốn. Chủ trương chính sách xây dựng phong trào này là đúng, nhưng chúng ta chưa thực hiện được nhiều”. Quan điểm này dựa trên quá trình rà soát công nhận gia đình, thôn, bản, làng, tổ dân phố văn hóa tại 10 quận, huyện trong 6 tháng qua. Sở VH&TT đã phát hiện nhiều địa phương công nhận sai so với Quy chế đã ban hành. Ông Động lấy ví dụ việc công nhận “nóng” một số đơn vị văn hóa của quận Bắc Từ Liêm trong khi chưa đạt các tiêu chí 3 năm liên tục như quy định. Đồng quan điểm với cơ quan chuyên ngành, ông Đinh Hồng Phong – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm khẳng định việc xét duyệt chưa kỹ các chỉ tiêu văn hóa thì tỷ lệ các hộ gia đình văn hóa tại nhiều phường trên địa bàn luôn đạt trên 90%. Song khi rà soát lại khắt khe, loại trừ các hộ gia đình không tham gia phong trào địa phương, hộ mặt đường không treo cờ trong ngày lễ, hộ có người nghiện không đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa, thì tỷ lệ đạt chỉ còn 83%.

Ngành giáo dục đưa ra chỉ tiêu năm 2016 có thêm 75 trường đạt chuẩn quốc gia (hiện TP có 2.093 trường công lập đạt chuẩn), song mục tiêu hướng tới trường chuẩn theo tiêu chí mới đang là bài toán khó với nhiều quận, huyện. Theo ông Đỗ Minh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh, huyện đang gặp khó với nguồn vốn đầu tư hơn 100 tỷ đồng cho 16 trường công lập đạt chuẩn quốc gia 5 năm trước để có thể đủ tiêu chuẩn công nhận lại. Nếu huyện ngoại thành gặp khó về vốn, thì các quận nội thành lại gặp khó về quỹ đất. Vì vậy, quận Hoàn Kiếm đã kiến nghị chấp nhận tiêu chí đáp ứng đủ không gian và cơ sở vật chất bằng cách nâng cao số tầng cho các trường nội thành. “Đối với trường chuẩn quốc gia, cần xây dựng cơ chế đặc thù cho từng địa phương” – ông Phong bày tỏ.

Trước những vướng mắc này, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý lưu ý các địa phương ưu tiên kinh phí cho việc chống xuống cấp, duy trì trường đã đạt chuẩn quốc gia, sau đó mới chú tâm xây dựng trường chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới. Phó Chủ tịch UBND TP yêu cầu từ đầu tháng 7, các ngành thuộc khối văn hóa, xã hội rà soát các chỉ tiêu đề ra, đưa ra mục tiêu, kịp thời điều chỉnh, bổ sung để hoàn thành tốt kế hoạch đặt ra vào 6 tháng cuối năm. Ngoài những nhiệm vụ riêng của ngành, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý cũng đề ra nhiệm vụ chung cho toàn khối: Tập trung cụ thể hóa kế hoạch, đề án, dự án thực hiện 8 chương trình của Thành ủy; kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 – 2020; tăng cường kỷ cương hành chính, kỷ luật lao động, nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ của công chức với Nhân dân; đặc biệt đẩy nhanh quá trình cải cách hành chính tại các sở, ngành…