Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không buông lỏng quản lý, nhưng phải tạo môi trường thuận lợi

D. Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 1/8, tại trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 7/2016, phiên họp đầu tiên của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021.

Trong ngày thứ nhất phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, các thành viên Chính phủ thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh. 

Nêu sự cần thiết phải ban hành luật này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho rằng, bên cạnh những kết quả tích cực, quá trình thi hành Luật Đầu tư, Luật DN và các luật khác có liên quan điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập hoặc có một số quy định chưa thống nhất. Cộng đồng DN cho rằng, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho DN. 
Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm quản lý nhà nước nhưng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là quan trọng nhất. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Thủ tướng nhấn mạnh, phải bảo đảm quản lý nhà nước nhưng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là quan trọng nhất. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, trước hết dự án Luật sẽ tiếp tục cắt giảm ngành, nghề kinh doanh có điều kiện theo danh mục của Luật Đầu tư và điều kiện kinh doanh không cần thiết, bất hợp lý. Đồng thời, sửa đổi một số khái niệm để làm cơ sở phân định điều kiện kinh doanh với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, như sửa đổi khái niệm “đầu tư”, bổ sung khái niệm “điều kiện kinh doanh” và “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ hơn nội hàm của các khái niệm này. 

Chính sách lớn thứ hai trong dự án Luật là hoàn thiện chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư; khắc phục những vướng mắc trong quá trình hoạt động của DN. Để thực hiện mục tiêu này, sẽ sửa đổi 4 luật, trong đó đáng chú ý là sửa Luật Đầu tư theo hướng bổ sung cam kết của Nhà nước trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật để phù hợp với quy định về bảo hộ quyền sở hữu tại khoản 2 Điều 32 Hiến pháp 2013 và nguyên tắc không hồi tố những quy định của pháp luật gây ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi của nhà đầu tư.

Đồng thời sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN nhằm bảo đảm sự thống nhất với Luật Đầu tư về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư…, sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng bổ sung việc sử dụng các loại đất khác được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sang làm đất ở thay vì chỉ sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như hiện nay để thống nhất với Luật Đất đai…

Dự án Luật sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác. Sửa đổi các quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý Nhà nước về đầu tư, cụ thể hóa, minh bạch trong quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

Các thành viên Chính phủ cho ý kiến về dự án Luật đều cho rằng việc xây dựng, ban hành Luật là rất cần thiết. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, dự án Luật thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.

Thủ tướng cho rằng, phải bảo đảm quản lý Nhà nước, không buông lỏng quản lý, nhưng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là quan trọng nhất và phải quản lý theo quy luật thị trường. Đồng thời, Thủ tướng cũng đề nghị dự án Luật nên tập trung vào các luật có liên quan đến đầu tư kinh doanh để bảo đảm chất lượng, không thể quá cầu toàn, đồng thời nhất định phải cải cách thủ tục hành chính.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ KH&ĐT và các bộ liên quan, tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ, thuyết phục để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, nếu để quá lâu có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến tăng trưởng.