Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không chạy theo số lượng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Vấn đề triển khai chương trình ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong hoạt động của cơ quan Nhà nước (CQNN) thời gian tới cần sự huy động nguồn lực xã hội, nhất là các doanh nghiệp CNTT tham gia để chương trình đạt hiệu quả thực chất chứ không chỉ là để đạt mục tiêu về số lượng…

Đó là ý kiến đóng góp của nhiều chuyên gia đối với Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN Hà Nội giai đoạn 2012 - 2015".

Phấn đấu dẫn đầu cả nước về độ “sẵn sàng”

Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN từ nay đến năm 2015 của TP Hà Nội đặt ra mục tiêu hoàn thiện cơ sở hạ tầng thông tin, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử Thủ đô đạt mức 3; cung cấp thông tin dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, diện rộng cho người dân và DN, làm cho hoạt động của CQNN minh bạch và phục vụ dân tốt hơn. Quan trọng nhất, Hà Nội phấn đấu đi đầu cả nước về chỉ số mức độ sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT - truyền thông, về các lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng nhân lực, ứng dụng, môi trường tổ chức và chính sách.

Dự kiến đến năm 2015, TP đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phục vụ ứng dụng CNTT trong nội bộ CQNN cũng như ứng dụng phục vụ người dân, DN một cách đồng bộ, hiệu quả. 100% cán bộ lãnh đạo CQNN được đào tạo về chính quyền điện tử, 100% cán bộ công chức viên chức sử dụng thành thạo máy tính, 100% cán bộ chuyên trách CNTT có trình độ cao đẳng hoặc tương đương trở lên...

Không chạy theo số lượng - Ảnh 1

Ứng dụng CNTT trong giải quyết các thủ tục hành chính tại phường Kim Mã, quận Ba Đình. Ảnh: Thanh Hải

Doanh nghiệp: Mong nhiều cơ hội đóng góp

Mục tiêu là vậy nhưng nhiều ý kiến cho rằng, cái khó trong vấn đề này là ở chỗ tìm được giải pháp thực thi hiệu quả và cách thức kiểm soát quá trình thực hiện. Quan trọng hơn, mục tiêu chất lượng cần được đề cao hơn mục tiêu về số lượng, khả năng cung cấp thông tin cho người dân và DN đến đâu để họ cảm nhận được lợi ích thực sự.

Muốn hiện thực hóa "tham vọng" dẫn đầu cả nước về ứng dụng CNTT, Sở TT&TT là cơ quan thường trực cần huy động đông đảo nguồn lực xã hội, trong đó tạo điều kiện cho nhiều DN CNTT tham gia, không thể độc quyền cho một vài DN lớn. Theo bà Phạm Thị Phương Lan, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP phần mềm Việt, Hà Nội cần có cơ chế thuê nhiều DN tham gia các dự án, tránh tình trạng "sa lầy" vì chỉ dùng phần mềm của một DN.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng Giám đốc Tập đoàn DTT đề xuất, không nên chia dự án để đấu thầu nhỏ lẻ mà TP cần yêu cầu các DN liên kết với nhau. Ngoài ra, "để vươn lên vị trí đứng đầu, trước tiên Hà Nội cần giải được 2 bài toán khó mà chưa địa phương nào làm được: Tích hợp được hệ thống dữ liệu của CQNN giữa cấp T.Ư và cấp địa phương, đồng thời công khai được hệ thống dữ liệu đó cho người dân cùng DN biết để tận dụng" - ông Trung nhấn mạnh.

Một kiến nghị khác nhận được nhiều đồng thuận là để Chương trình thành công, công tác đào tạo nhân lực sử dụng CNTT tại CQNN cần được quan tâm hơn. Theo đại diện Công ty phần mềm Hà Bảng, đặc thù về trình độ CNTT trong cán bộ CQNN là có độ "chênh" lớn giữa các học viên, nhất là cán bộ nhiều tuổi thường kém hơn. Do đó, đào tạo tại hội trường chưa đủ mà phải cầm tay chỉ việc cho từng người, mới mong các phần mềm được áp dụng hiệu quả.

Song để sử dụng hợp lý chi phí đào tạo, mỗi cán bộ CNTT phụ trách một mảng công việc nhất định nên nếu đào tạo, cần tập trung vào chuyên ngành đó, đầu tư máy móc cũng chỉ phục vụ chuyên môn đó.