Đậm chất “Nghìn lẻ một đêm”
Ông Hussein Alvandi Behineh - Đại sứ nước Cộng hòa Iran tại Việt Nam cho biết, "Tuần lễ phim Iran" tại Hà Nội giới thiệu 6 bộ phim, phản ánh đời sống, văn hóa của miền đất mang đậm chất "Nghìn lẻ một đêm" cũng như tâm lý và tính cách của những con người làm nên lịch sử văn hóa một đất nước. Đó là "Cuộc gặp gỡ muộn mằn", "Ông Yusef", "Kanaan", "Người vợ", "Tôi muốn ngủ" và "Tình cảm giấu kín", mang đến những câu chuyện xúc động về tình cảm gia đình, tình yêu lứa đôi, tình bạn hay cách đối nhân xử thế... Đặc biệt, khán giả có cơ hội tìm hiểu, khám phá cuộc sống nội tâm của phụ nữ Iran - người phụ nữ giữa "vòng vây" của phong tục Hồi giáo - trong "Người vợ", "Cuộc gặp gỡ muộn mằn" và "Tôi muốn ngủ".
Giới chuyên môn cho rằng, đây là cơ hội hiếm có để các nhà làm điện ảnh Việt học tập cách làm phim hiệu quả của Iran. Bởi như chia sẻ của đạo diễn Đặng Nhật Minh: "Nền móng của điện ảnh Iran không hơn Việt Nam. Rạp chiếu phim đầu tiên ở đất nước Hồi giáo này khai trương vào năm 1900. Thời kỳ đầu, chỉ có phim nhập khẩu, phim thời sự cùng với phim tài liệu do Nhà nước bảo trợ được trình chiếu. Khi âm thanh ra đời, các bộ phim nói tiếng Ba Tư trở nên nổi tiếng, khởi đầu là "Cô gái Lor" năm 1933. Nhưng giờ đây, nền điện ảnh Iran đã đạt được nhiều thành công, mặc dù kinh phí hạn hẹp và luật kiểm duyệt hà khắc". Trên thực tế, số lượng phim được sản xuất ở Iran hàng năm rất ít, nhưng "phim nào ra phim nấy", các đạo diễn tài năng có cách làm nghệ thuật đầy sáng tạo. Vì thế, những "đứa con" mang "quốc tịch" Iran đều được thế giới ghi nhận và đánh giá cao, giành nhiều giải thưởng quốc tế. Năm 2012, bộ phim "Cuộc chia ly" (A Seperation) của đạo diễn Asghar Farhadi trở thành phim Iran đầu tiên giành giải Oscar hạng mục "Phim nói tiếng nước ngoài" và hơn 60 giải thưởng danh giá khác.
Trông người ngẫm ta
Xuất phát điểm không hề thua, khâu kiểm duyệt cũng "thoáng" hơn, vậy mà chuyện giành giải Oscar vẫn là mộng ước xa vời của phim Việt. Còn nhớ năm 2012, khán giả Thủ đô và cả giới chuyên môn như bị "hớp hồn" trước "Cuộc chia ly" tại Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội lần thứ 2. "Bộ phim có cốt truyện tương đối đơn giản. Tất cả xoay quanh cuộc ly dị của đôi vợ chồng Nader và Simin. Tình huống chỉ có vậy, nhưng sự phức tạp trong các mặt của cuộc sống xã hội Iran hiện đại được phơi bày. Cách kể chuyện thực tế nhưng không kém phần sâu sắc, với nội dung chi tiết gần như tối giản nhưng sắc bén, hàm súc. Bộ phim biến khán giả từ vị trí thụ động trở nên chủ động. Thay vì là những "thượng đế" đang được mua vui bằng một tác phẩm hư cấu, dàn dựng đặc biệt để phục vụ mục đích giải trí, khán giả trở thành một phần của câu chuyện. Bất kỳ ai cũng cảm thấy mình giống những người hàng xóm, người quen nhưng không thân thiết của gia đình Nader và Simin, đang đứng theo dõi, quan sát câu chuyện xảy ra với vợ chồng họ" - đạo diễn Đặng Nhật Minh nói về bộ phim "Cuộc chia ly".
Vị đạo diễn kỳ cựu này cho rằng, cách đây chừng 15 năm, điện ảnh Việt cũng một thời huy hoàng nhờ những câu chuyện đơn giản nhưng ẩn chứa nhiều giá trị và những triết lý sâu sắc như thế. Như các tác phẩm "Bao giờ cho đến tháng Mười", "Cánh đồng hoang", "Vĩ tuyến 17 ngày và đêm"…, đến nay, ngay cả đối với lớp trẻ, những người được cho là sống trong thời kỳ có rất nhiều giá trị thay đổi, khi tĩnh lặng ngồi xem đều không khỏi trào dâng một sự đồng cảm tuyệt đối với bối cảnh và tuyến nhân vật. Còn nay, đưa vào phim toàn "chân dài", đại gia, xe hơi, biệt thự…, tất cả đều xa lạ với đời sống của đa số người dân. Cho nên, công chúng Việt dần xa lánh điện ảnh dân tộc, còn giới chuyên môn, người yêu điện ảnh nước ngoài chẳng mấy mặn mà với phim Việt. Thế nên, đây là cơ hội để các nhà làm phim Việt ngẫm lại cách làm của mình nếu muốn phát triển và hội nhập với điện ảnh thế giới.
Bộ phim "Cuộc chia ly" từng hớp hồn khán giả tại Liên hoan phim Quốc tế lần thứ 2 tại Hà Nội năm 2012
|