Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không chủ quan với an toàn hồ chứa

Tùng Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là khu vực có số lượng các hồ chứa thủy điện, thủy lợi dẫn đầu của cả nước, việc bảo đảm an toàn phòng, chống thiên tai tại các tỉnh miền núi phía Bắc là bài toán đặt ra cấp thiết, nhất là trước diễn biến thời tiết phức tạp thời gian qua.

Nguy cơ lớn từ những hồ chứa nhỏ
Theo thống kê, tại 13 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc hiện có gần 700 hồ chứa thủy điện, thủy lợi. Cùng với nhiệm vụ phòng chống lũ, các hồ chứa thủy điện còn có ý nghĩa quan trọng về an ninh năng lượng cho cả nước. Chính vì vậy, đòi hỏi đặt ra là việc quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện phải phát huy công năng cao nhất.
Dù vậy, trước tác động của biến đổi khí hậu, yêu cầu đặt ra là cần tính đến kịch bản làm sao để các hồ chứa vận hành an toàn nhưng vẫn bảo đảm an ninh năng lượng. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi sự phối kết hợp giữa Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai với Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhằm đảm bảo quy trình liên hồ chứa một cách khoa học và sát thực tế nhất.
  Hồ chứa thủy điện Hòa Bình. Ảnh: Phạm Hùng
Theo đánh giá của Bộ NN&PTNT, bên cạnh các hồ chứa thủy điện lớn, việc quản lý vận hành các hồ chứa thủy điện, thủy lợi quy mô vừa và nhỏ cũng là vấn đề cần đặc biệt quan tâm. “Việc hai hồ nhỏ quy mô cấp xã, cấp huyện bị vỡ thời gian qua đặt ra yêu cầu không thể chỉ quan tâm đến các hồ lớn, mà ngay các hồ nhỏ cũng cần chú ý. Bởi hầu hết các hồ chứa nhỏ có độ dốc rất cao, lại gắn liền với kết cấu nhà ở dân cư, hạ tầng sản xuất, nếu xảy ra sự cố thì sẽ là thảm họa” – Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cảnh báo.
Đáp ứng yêu cầu nguồn nước
Để bảo đảm an toàn cho các hồ chứa thủy điện trong bối cảnh biến đổi khí hậu, theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, cần tuân thủ nghiêm chỉnh nguyên tắc điều hành liên hồ chứa trên cơ sở sự thống nhất, minh bạch trong quản lý vận hành, chỉ đạo của T.Ư và phối kết hợp giữa các bộ ngành, địa phương, chủ công trình...
Cùng với đó, tăng cường các biện pháp tổng thể, điều hành quy trình xả nước, tích nước, bảo đảm quy trình vận hành các hồ chứa một cách khoa học và phù hợp với thực tiễn. Mục tiêu là không chỉ bảo đảm an ninh năng lượng mà còn phải đáp ứng yêu cầu nguồn nước sử dụng cho sinh hoạt và phát triển sản xuất cho các địa phương vùng hạ du.
Nhiều ý kiến cho rằng, diễn biến thiên tai hiện nay đặt ra yêu cầu cần phải rà soát lại khuôn khổ pháp luật, cơ chế, chính sách, những vấn đề trước mắt cũng như giải pháp lâu dài. Đơn cử như tại 13 tỉnh miền núi phía Bắc, thời gian tới phải rà soát để đưa ra một chương trình, lộ trình tổng thể bố trí sắp xếp lại dân cư bảo đảm tính an toàn cao nhất. Phương thức sản xuất cũng cần bảo đảm thích ứng, giảm thiểu rủi ro tối đa trong bất kỳ tình huống bất thuận của các hình thái thiên tai.

"Trước mắt cần có chương trình, dự án, cơ chế chính sách để tiếp tục hoàn thiện thể chế, biện pháp chỉ đạo của từng cấp một, từ T.Ư đến các địa phương, toàn dân cần nâng cao cảnh giác, thường trực với phương châm phát triển đi đôi với bền vững để có biện pháp thích ứng…" - Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường