Không chủ quan với bệnh sốt xuất huyết

Trần Thảo – Ngọc Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trên cả nước đang vào thời điểm đỉnh dịch sốt xuất huyết (SXH). Bệnh để lại nhiều biến chứng nặng, nếu không điều trị kịp thời và đúng phác đồ, có thể gây tử vong. Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo, mỗi người dân cần có biện pháp ứng phó và phòng tránh bệnh hiệu quả, khi mắc bệnh không tự ý điều trị.

 Các bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Ngọc Tú

Hàng trăm trường hợp nhập viện
Tại Khoa Virus - Ký sinh trùng, Bệnh viện (BV) Bệnh nhiệt đới T.Ư, bệnh nhân Lê Thị Bốn (27 tuổi, phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình, Hà Nội) đang chống chọi với bệnh SXH. Qua gần một tuần nằm viện, bệnh nhân đã hết sốt, tuy nhiên, vẫn cần được theo dõi sát sao. Chị Bốn cho biết, trước đó thấy cơ thể bị nóng sốt bất thường, nghĩ do thời tiết. Sau vài ngày sốt cao, chị đi khám và xét nghiệm máu, kết quả cho thấy, chị dương tính với SXH và phải nhập viện điều trị từ ngày 13/7. Đến nay, toàn thân chị vẫn còn ê ẩm, khắp chân tay nổi nhiều mẩn đỏ, miệng khô nứt nẻ, ngồi dậy khó khăn, khuôn mặt bị biến dạng do phù nề.

Một trường hợp khác là bệnh nhân Nguyễn Trường Huy, 37 tuổi, tiểu thương kinh doanh tại chợ Hàng (quận Lê Chân, TP Hải Phòng), mới nhập viện với các biểu hiện như sốt liên tục, sốt nóng kèm sốt lạnh, đau đầu, đau mắt. Trước đó, tưởng sốt thông thường, anh Huy đến hiệu thuốc và được dược sĩ chẩn đoán sốt virus, kê đơn uống trong 3 ngày nhưng bệnh không thuyên giảm. Chỉ khi đến BV, anh mới được khám và xác định đúng bệnh, ngay lập tức anh Huy phải nhập viện vì tiểu cầu đã xuống quá thấp. Chia sẻ về nguyên nhân gây bệnh, anh Huy cho biết, có thể do khu chợ nơi anh kinh doanh ẩm thấp, có nhiều nước tù đọng, tạo điều kiện cho muỗi vằn sinh sôi, phát triển, truyền bệnh SXH.

Thông tin từ BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, từ đầu năm đến nay, BV đã điều trị cho hơn 300 bệnh nhân mắc SXH. Trong những tuần qua, số ca mắc SXH có chiều hướng gia tăng. Nhiều bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nặng, sốt cao liên tục, tiểu cầu giảm, thể trạng yếu, đau đầu, chóng mặt…

Không tự ý dùng kháng sinh và truyền dịch

Theo bác sĩ Đỗ Minh Hoàng - Khoa Virus - Ký sinh trùng, BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, hiện nay đang vào mùa mưa, thời tiết rất thuận lợi phát sinh muỗi truyền bệnh SXH. Nếu không kiểm soát tốt bọ gậy, loăng quăng và muỗi thì SXH sẽ tiếp tục gia tăng.

Bác sĩ Hoàng cho biết, hiện nay, SXH vẫn chưa có vaccine phòng ngừa hiệu quả. Hiện tại cũng chưa có bất cứ loại thuốc hay phương pháp điều trị nào đặc hiệu với căn bệnh này, việc điều trị chủ yếu theo dõi và chăm sóc cũng như hỗ trợ các chức năng cần thiết cho cơ thể.

Bệnh SXH do muỗi vằn lây truyền, thường khởi phát một cách rất đột ngột và tiến triển nhanh qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là giai đoạn sốt, trong 1 hoặc 2 ngày đầu, người bệnh bị sốt cao một cách đột ngột, nhiệt độ cơ thể có thể lên đến 39 - 400C. Trong giai đoạn này, các triệu chứng bệnh thường rất khó phân biệt với các loại sốt virus thông thường.

Ở giai đoạn 2, từ ngày thứ 3 cho đến ngày thứ 7 kể từ khi sốt - là giai đoạn rất nguy hiểm. Trong giai đoạn này, các triệu chứng nặng của bệnh bắt đầu được nhận thấy. Người bệnh đã hạ sốt nhưng lại xuất hiện những hiện tượng như xuất huyết dưới da, chảy máu cam hay chảy máu chân răng. Những biến chứng nặng hơn, người bệnh có thể bị chảy máu nội tạng, tràn dịch màng phổi hoặc màng bụng, xuất huyết tiêu hóa hoặc nghiêm trọng hơn là xuất huyết não. Ở giai đoạn này, người bệnh cần được theo dõi sát sao và xét nghiệm tiểu cầu thường xuyên.

Giai đoạn 3, người bệnh bắt đầu hồi phục, huyết động dần ổn định, đi tiểu nhiều, các xét nghiệm tiểu cầu tăng dần lên và trở về trạng thái bình thường.

Bác sĩ Hoàng khuyến cáo, khi nghi ngờ mắc SXH cần phải đưa người bệnh đi xét nghiệm để xác định bệnh tình sớm và có hướng điều trị kịp thời. Đặc biệt không nên tự ý dùng kháng sinh bừa bãi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe. Ngoài ra, người bệnh cũng không nên truyền dịch tại nhà, phòng ngừa biến chứng, có thể dẫn đến sốc phản vệ và tử vong.
Theo Sở Y tế Hà Nội, từ giữa tháng 6 đến nay, số bệnh nhân mắc SXH trên địa bàn Hà Nội tăng nhanh theo từng tuần, hiện đã lên tới gần 200 ca mắc/tuần ở tất cả các quận, huyện. Tính từ đầu năm đến nay, toàn TP đã có 1.203 ca SXH. Còn trên cả nước đã có 60/63 tỉnh, TP ghi nhận bệnh nhân mắc với trên 80.000 ca SXH, 6 người đã tử vong.

Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) Trần Đắc Phu cho biết, để phòng chống được dịch SXH, phụ thuộc vào ý thức từng người dân. Đó là, người dân cần chủ động diệt lăng quăng, bọ gậy trong chính gia đình mình, loại bỏ các vật liệu, phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng. Đặc biệt, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch bệnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần