Bệnh nhân Nguyễn Văn H., 54 tuổi (Mai Châu, Hòa Bình) hơn một năm nay thường bị chóng mặt, đau đầu nhẹ, không đứng được lâu, giảm sút sức lao động. Bệnh nhân đã đi khám ở nhiều nơi, điều trị cả Đông và Tây y đều không tìm ra nguyên nhân, bác sĩ chỉ kết luận thiếu máu não do rối loạn tiền đình. Khi đến khám tại Bệnh viện 103 được xác định hội chứng tiền đình T.Ư. Truy tìm nguyên nhân, siêu âm động mạch chủ phát hiện hẹp 90% ĐMC bên trái, có nhồi máu nhỏ trong não chưa dẫn tới đột quỵ. Bệnh nhân được nong và đặt 1 stent ĐMC. Sau can thiệp, bệnh nhân hết các triệu chứng của rối loạn tiền đình.
|
Tư vấn cho người bệnh tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn. Ảnh: Công Hùng |
Tương tự, bệnh nhân Bùi Đình C. (Hoàng Mai, Hà Nội), 50 tuổi tiền sử hút thuốc lá trên 20 năm, mỗi ngày 20 điếu. Bệnh nhân đi khám hơn 10 năm trước tại nhiều bệnh viện vì biểu hiện chóng mặt bồng bềnh không thường xuyên, giữ thăng bằng kém khi thay đổi tư thế. Bác sĩ kết luận ông C. bị hội chứng tiền đình, nhưng điều trị không đỡ. Kết quả siêu âm hệ thống mạch máu cấp máu não cho thấy, có mảng vữa xơ gây hẹp lan tỏa nhiều vị trí hẹp. Bệnh nhân được điều trị nội khoa, can thiệp nội mạch bằng ống thông, dùng thuốc và can thiệp mạch. Sau can thiệp bệnh nhân tỉnh hoàn toàn, không yếu liệt tay chân, hết các triệu chứng chủ quan của hội chứng tiền đình – tiểu não.
"Chóng mặt là cảm giác chủ quan của người bệnh và thường được chẩn đoán là rối loạn tiền đình. Bệnh nhân đến khám vì các triệu chứng điển hình hoặc trong tình trạng bệnh đã quá nặng. Ở Việt Nam, chưa thấy các báo cáo lớn về hẹp ĐMC trong không triệu chứng nên việc tầm soát chưa được toàn diện dẫn tới bỏ sót, bệnh nặng, trong khi hẹp ĐMC là bệnh thường gặp, chiếm 2 - 8% dân số, đặc biệt nhiều ở người trên 50 tuổi mắc các bệnh xơ vữa động mạch chung, huyết áp, đái tháo đường, mỡ máu..." - TS Nguyễn Văn Tuấn Khoa Đột quỵ, Bệnh viện 103 |
Theo TS Nguyễn Văn Tuấn - khoa Đột quỵ, Bệnh viện 103, chức năng của ĐMC là cung cấp máu cho não. Khi ĐMC bị hẹp hoặc tắc nghẽn thì được gọi là bệnh ĐMC. Nếu không biểu hiện gì đặc biệt thì gọi là hẹp ĐMC không triệu chứng. Bệnh được phát hiện và can thiệp muộn có thể để lại di chứng. Trong một số trường hợp, ảnh hưởng đến khả năng tầm nhìn tắc động mạch võng mạc trung tâm, dẫn đến mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Phát hiện sớm để tránh đột quỵTS Nguyễn Văn Tuấn nhấn mạnh, 25 - 30% các trường hợp đột quỵ là do hẹp ĐMC. Tuy nhiên, bệnh hẹp ĐMC ít khi được phát hiện sớm, khi tai biến mạch máu não xảy ra thì đã quá trễ khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn. Trên thực tế, rất nhiều bệnh nhân đột quỵ do hẹp ĐMC bị tàn phế suốt đời. Điều này có thể tránh được nếu bệnh được phát hiện sớm. Do đó, những trường hợp có các yếu tố nguy cơ cao như trên 50 tuổi, tăng huyết áp, rối loạn lipid máu, hút thuốc lá, đái tháo đường, béo phì, lối sống ít vận động..., không có triệu chứng vẫn cần thường xuyên khám định kỳ. Trường hợp bệnh nhân có triệu chứng như đột ngột bị yếu, tê bì nửa mặt, nửa người hoặc chỉ một bên tay, chân, khó nói hoặc không nói được, mất thị lực một bên chỉ vài phút rồi hồi phục hoàn toàn… cần đi khám để phát hiện bệnh kịp thời. Nguy cơ tai biến mạch máu não sẽ giảm hơn 50% nếu được phẫu thuật bóc tách nội mạc ĐMC ở những người bị hẹp ĐMC trên 70%.
Phương pháp phát hiện bệnh đơn giản nhất là siêu âm Doppler có thể đo lường mức độ nghiêm trọng của hẹp ĐMC. Chụp cộng hưởng từ mạch máu hoặc chụp CT đa lớp cắt để đánh giá toàn thể hệ thống động mạch trong và ngoài sọ. Cuối cùng là chụp mạch số hóa xóa nền DSA để can thiệp điều trị (đây là phương pháp đưa ra chẩn đoán chính xác nhất về tình trạng lòng mạch, được coi là tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh mạch máu). Điều trị tuỳ thuộc mức độ hẹp của ĐMC, hẹp có triệu chứng hay không, cũng như sức khỏe chung của bệnh nhân. Trong giai đoạn sớm, bệnh nhân có thể được chỉ định dùng thuốc và thay đổi cách sống. Nếu bệnh nặng hay tiến triển, các bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật hoặc nong ĐMC và đặt stent.