Ông có thể cho biết tình hình dịch bệnh tại Hà Nội trong thời gian qua cũng như dự báo trong thời gian tới, đặc biệt trong mùa Đông - Xuân này?
- Tính đến hết năm 2018, dịch bệnh sốt xuất huyết giảm mạnh so với năm 2017 gần 90%. Các dịch bệnh khác cơ bản ổn định. Tuy nhiên, thời tiết chuyển mùa Đông - Xuân là điều kiện môi trường thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virus) phát triển và lây lan như tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu, đặc biệt là các bệnh đường hô hấp, cảm, cúm, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hiện trên địa bàn, số ca mắc sởi đang có chiều hướng gia tăng, dù không xuất hiện ổ dịch lớn và không có tử vong. Các ca mắc chủ yếu là trẻ dưới 5 tuổi, do chưa được tiêm chủng hoặc chưa được tiêm chủng đầy đủ vaccine. Về tay chân miệng, trong năm 2018, toàn TP có 2.121 trường hợp mắc, không có ca tử vong.Nhiều người có tư tưởng chủ quan khi cho rằng, mùa Đông, thời tiết rét buốt, muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết sẽ tự chết hoặc không sinh sôi, gây bệnh. Ông có khuyến cáo gì về việc phòng bệnh sốt xuất huyết trong thời điểm này?- Tại Hà Nội, ngành y tế ghi nhận bệnh nhân mắc sốt xuất huyết vào tất cả các tháng trong năm. Tuy nhiên, số mắc tăng cao từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Hiện tại đang vào mùa Đông, nhiệt độ ngoài trời xuống thấp không thuận lợi cho muỗi phát triển nên số mắc giảm nhiều. Nhưng, tại các khu vực nội thành, nhất là ở những nơi công trình đang xây dựng, nơi có khu thuê trọ do đông người, điều kiện vệ sinh môi trường kém, không xử lý các ổ bọ gậy thường xuyên, muỗi vẫn tiếp tục sinh sản, phát triển và truyền bệnh. Vì vậy, người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là trong việc phòng chống sốt xuất huyết nói riêng và các dịch bệnh khác nói chung. Khi có triệu chứng của sốt xuất huyết, mọi người cần đến ngay các cơ sở y tế để được khám, chẩn đoán, tư vấn và điều trị kịp thời.Trong giai đoạn giao mùa, nhiều bệnh truyền nhiễm như hiện nay, đối với trẻ em, cha mẹ cần chú ý những vấn đề gì về dinh dưỡng để phòng bệnh, thưa ông?- Để nâng cao thể trạng, phòng chống bệnh dịch trong giai đoạn giao mùa, mọi người cần thực hiện tốt vệ sinh ăn uống, ăn chín, uống chín, đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. Nên ăn thức ăn nóng, ấm, không cho trẻ ăn thức ăn lạnh vì sử dụng thức ăn lạnh dễ mắc các bệnh đường hô hấp như viêm họng, viêm phế quản. Ngoài ra, cha mẹ cũng nên cho trẻ tăng cường ăn các loại thực phẩm, trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi... và bổ sung nước thường xuyên. Đặc biệt, không cho trẻ ra ngoài khi nhiệt độ xuống thấp. Chủ động đưa trẻ đi tiêm phòng các bệnh đã có vacine phòng như sởi, quai bị, rubella, cúm, phế cầu, não mô cầu, thủy đậu...Xin cảm ơn ông!
Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) đã có Công văn số 1479/DP-DT gửi giám đốc Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư đề nghị xây dựng và trình UBND tỉnh, TP phê duyệt kế hoạch phòng, chống dịch bệnh ngay từ đầu năm 2019. Trong đó, phân công cụ thể hoạt động của các đơn vị liên quan trên địa bàn, kết hợp các hoạt động mang tính liên ngành và thường xuyên theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện. Cục Y tế Dự phòng đề nghị các đơn vị y tế dự phòng giám sát chặt khu vực cửa khẩu và cộng đồng nhằm phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ bệnh, trường hợp bệnh xâm nhập. Đặc biệt giám sát các ổ dịch cũ, các trường hợp về từ vùng có dịch, xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh, lưu ý các bệnh cúm gia cầm, ho gà, sởi, rubella, tiêu chảy cấp, tay chân miệng, sốt xuất huyết, không để dịch bệnh bùng phát và lan rộng. |