Kinhtedothi - Chiều 7/11, trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, lãnh đạo Sở QH - KT Hà Nội đã khẳng định, không có chuyện nắn hay nắn cong tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng tại phường Bồ Đề, quận Long Biên.
Tuyến đường đã được xác định từ Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1998 và tiếp tục được ghi nhận rõ nét tại các đồ án quy hoạch trong những năm sau, trong đó có cả đồ án có tính pháp lý cao nhất là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được phê duyệt năm 2011.
Thực hiện theo quy hoạch
Ông Ngô Quý Tuấn - Phó Giám đốc Sở QH - KT cho biết, vị trí, hướng tuyến và quy mô tuyến đường đã được xác định tại các quy hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt. Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP Hà Nội đến năm 2020 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20/6/1998 đã định hướng vị trí, hướng tuyến của tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng. Trên cơ sở đó, quy hoạch chi tiết quận Long Biên, tỷ lệ 1/2.000 phần quy hoạch sử dụng đất và giao thông đã được UBND TP phê duyệt năm 2005. Đồ án quy hoạch quận Long Biên xác định rõ vị trí, quy mô, hướng tuyến đường với mặt cắt rộng 40m.
Theo đánh giá của giới chuyên môn, Quy hoạch chung năm 1998 là một đồ án thành công, góp phần tạo nên diện mạo hôm nay của Thủ đô với rất nhiều tuyến đường huyết mạch từ bản vẽ quy hoạch đã "bước vào" thực tế, trong đó có tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng. Đây là một đoạn tuyến quan trọng của tuyến đường liên khu vực của TP trên địa bàn quận Long Biên. Tuyến kết nối liên thông giữa đường Nguyễn Văn Cừ với đường Cổ Linh và kết nối với đường Vành đai 3 (tại nút giao đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng với đường vành đai 3). Với vị trí quan trọng đó, tại đồ án quy hoạch có tính pháp lý cao nhất hiện nay là Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTG ngày 26/7/2011 đã tiếp tục xác định vị trí, quy mô, hướng tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng và phù hợp với quy hoạch chi tiết quận Long Biên. Trên cơ sở các quy hoạch được duyệt, hồ sơ chỉ giới tuyến đường đã được tổ chức thẩm định, trình UBND TP phê duyệt, làm cơ sở để triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường.
Như vậy, có thể nói, quy hoạch tuyến đường đã được xác định và thực hiện một cách thống nhất trong nhiều năm qua. Trên thực tế, quy hoạch tuyến đường đã được thực hiện và công tác quản lý xây dựng đô thị của khu vực cũng đã triển khai theo quy hoạch. Trong các hồ sơ hiện Sở QH - KT đang lưu trữ, hình ảnh chụp từ vệ tinh khu vực qua các thời kỳ đã thể hiện hiện trạng của từng thời điểm tương ứng với các quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch. Từ thực trạng năm 2000, phần lớn diện tích đất nằm trong quy hoạch tuyến đường là đất nông nghiệp; tiếp đó, các dự án, các công trình đã được hình thành theo trục "xương sống" đang dần hoàn thiện là tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ với đê tả ngạn sông Hồng.
Ông Tuấn cho biết, các dự án, các nhà dân hiện đã thực hiện xây dựng và được quản lý theo quy hoạch và chỉ giới đường đỏ. Trên cơ sở quy hoạch quận năm 2005, một loạt dự án đầu tư đã được triển khai thực hiện, trong đó có đoạn tuyến này. Dọc tuyến đường, các dự án đầu tư đã được cấp chỉ giới đường đỏ như bệnh viện, trường học, trận địa pháo, đất đấu giá, đất dự kiến đối ứng để thực hiện án của Vinaconex 2… Nếu chuyển hướng tuyến theo ý kiến của một số ít hộ dân thì tuyến đường sẽ cắt vào đất quốc phòng, cắt vào hàng loạt dự án đang triển khai và cắt vào toàn bộ khu vực dân cư đã sinh sống ổn định. Bất kỳ một thay đổi nào cũng sẽ ảnh hưởng đến những hộ dân đã và đang chấp hành quy hoạch. Cùng với đó, nếu thay đổi hướng thì sẽ không thể đấu nối tuyến đường này vào hệ thống đường chung của TP. Trong quá trình giải quyết đơn thư, các cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương đã giải thích nhiều lần về vấn đề quy hoạch. Thực hiện, chỉ đạo của UBND TP, Sở QH - KT sẽ tiếp tục thông tin đến người dân và các cơ quan thông tin đại chúng. Sở đang rà soát các vấn đề liên quan đến kỹ thuật, kinh tế, xã hội và sẽ có báo cáo TP cụ thể. Lãnh đạo Sở QH - KT khẳng định, Sở đã nghiêm túc tiếp nhận và nghiên cứu các kiến nghị của dân, việc rà soát nhằm cung cấp thông tin một cách đầy đủ, hệ thống để người dân hiểu rằng tuyến đường đã được thực hiện đúng theo quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt.
Phân tích về đoạn tuyến mà có hộ dân cho rằng bị nắn cong, ông Tuấn cho biết, toàn bộ khu vực này chịu sự kiểm soát chặt chẽ tới từng điểm nhằm đảm bảo an toàn hành lang bay, phễu bay của sân bay Gia Lâm. Đây là khu vực mà hướng tuyến không thể thay đổi và là phương án tối ưu được thống nhất qua các đồ án quy hoạch.
Bảo đảm lợi ích chung
Dự án tuyến đường nối từ đường Nguyễn Văn Cừ tới đê tả ngạn sông Hồng được quận Long Biên xác định sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh hệ thống giao thông trục chính, đường liên khu vực kết nối liên thông giữa đường Nguyễn Văn Cừ với các tuyến đường 40m đoạn Long Biên (đã hoàn thành, đưa vào sử dụng năm 2010); tuyến đường rộng 40m đoạn Thạch Bàn (đã khởi công từ tháng 10/2013); nút giao Vành đai 3. Đồng thời, tạo sự liên thông giữa cầu Chương Dương, cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì và tuyến đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được triển khai thi công. Quận đã thực hiện dự án đúng theo quy hoạch được duyệt, vị trí và hướng tuyến tuân thủ đúng theo hồ sơ chỉ giới đường đỏ. Ông Đỗ Mạnh Hải - Chủ tịch UBND quận Long Biên khẳng định: Các đồ án quy hoạch đã được tổ chức lấy ý kiến trong quá trình lập quy hoạch, sau khi được duyệt đã công khai công bố cho các cơ quan, đơn vị và Nhân dân trên địa bàn biết. Quá trình thực hiện công tác đền bù GPMB đảm bảo các quy định của pháp luật. Việc sử dụng nguồn vốn đầu tư cho dự án đều phải qua khâu thẩm tra của các sở chuyên ngành, thẩm định của chủ đầu tư theo đúng quy định nhằm tránh phát sinh tiêu cực, thất thoát. Chi phí GPMB theo quyết định phê duyệt dự án là 481 tỷ đồng, chi phí này được lập theo phương án tổng thể đã được UBND quận Long Biên phê duyệt tháng 12/2011 tuân thủ đúng các quy định của pháp luật. Và sau khi có quy hoạch, nhiều ô chức năng dọc hai bên tuyến đường đã được giao cho các đơn vị triển khai dự án theo đúng quy định. Trong đó có một số dự án đã triển khai, một số dự án đang chuẩn bị các thủ tục đầu tư…
Cùng với khẳng định không có việc "bẻ cong" tuyến đường, công tác triển khai thực hiện dự án cũng được quận Long Biên xúc tiến triển khai. Ông Nguyễn Ngọc Quang - Chủ tịch UBND phường Bồ Đề cho biết, sau khi có Quyết định số 6431/QĐ-UBND ngày 25/10/2013 của UBND TP phê duyệt dự án, các văn bản, bản vẽ quy hoạch tổng thể tuyến đường, bản vẽ cụ thể trích phần dự án chạy qua địa bàn phường đã được dán công khai... Phường cũng đã tổ chức mời các hộ dân để phổ biến công khai về dự án. Qua công tác thống kê, phần dự án chạy qua địa bàn phường Bồ Đề có liên quan đến 459 hộ và 2 cơ quan, trong số đó có 95 hộ nằm trong khoảng 200m của dự án mà một số người dân cho là bị "cố tình nắn cong". Tuy nhiên, qua kiểm tra, rà soát chỉ có khoảng 22 hộ dân được cấp đất ở, phần còn lại là đất nông nghiệp, đất do trước đây xã cấp trái thẩm quyền. Ông Quang cũng cho biết, phường cũng đã có những đề xuất đối với từng trường hợp cụ thể để xin cơ chế nhằm hỗ trợ giải quyết khó khăn cho người dân khi giao đất như những trường hợp xây dựng nhà trên đất nông nghiệp nhưng không có nơi ở nào khác…
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, ông Nguyễn Đình Sơn - Tổ trưởng Tổ dân phố 14 (phường Bồ Đề) cho biết, dự án nhận được sự đồng tình của đại đa số người dân. Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất hiện nay là một số hộ gia đình cho rằng đường bị "nắn cong", nên Tổ dân phố gặp không ít khó khăn trong việc triển khai thực hiện các quyết định thông báo về dự án đến các hộ dân này… Trong khi đó còn rất nhiều việc cần phải triển khai trong thời gian tới để khởi công tuyến đường đảm bảo tiến độ. Dự kiến, việc mở thầu dự án sẽ được tổ chức vào tháng 12/2014 và hoàn thành vào tháng 8/2015. Kiến nghị thay đổi hướng tuyến của hộ dân mới chỉ tính đến việc bẻ đường, tránh ảnh hưởng đến mình mà không tính được việc tuyến đường sẽ đi tiếp ra sao và có tác động, ảnh hưởng lớn thế nào tới đại bộ phận người dân sống trong khu vực.
Nhiều hộ dân có đất nằm trong quy hoạch xây dựng đường 40m đã tự nguyện bàn giao mặt bằng. Ảnh: Chiến Công
|