Đại diện đơn vị tham gia đấu thầu vàng tại Ngân hàng Nhà nước.Ảnh: Đức Giang.
Thị trường vẫn ổn trước "bão vàng" thế giới
Theo đại diện NHNN, công tác đấu thầu đã góp phần bình ổn thị trường vàng. Thời gian qua, mặc dù "bão" vàng thế giới diễn biến phức tạp, giá vàng tuột dốc mạnh nhất trong 30 năm qua nhưng thị trường vàng Việt Nam vẫn hoạt động bình thường, không náo loạn hay lên cơn "co giật". Đây được coi là thành công trong công tác điều hành thị trường vàng thời gian qua.
"Có thể nói, Nghị định 24 đã làm thay đổi hoàn toàn thị trường vàng Việt Nam. Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao trước đây Thống đốc NHNN nói rằng, chỉ cần chênh lệch trên 400.000 đồng là thị trường có đầu cơ; còn hiện nay, mức giá chênh đã lên đến nhiều triệu đồng. Trước đây, chỉ cần chênh lệch giá vàng trên 400.000 đồng là xuất hiện tình trạng vàng nhập lậu, thị trường tự do hoảng loạn. Nhưng hiện nay, dù giá vàng chênh trên 5 triệu đồng nhưng tình trạng nhập lậu vàng là rất khó", thông tin từ NHNN.
Ông Lê Minh Hưng, Phó Thống đốc NHNN cho biết: Trước khi có Nghị định 24/2012/NĐ-CP về kinh doanh vàng miếng, các ngân hàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Chính vì vậy dẫn đến tình trạng một số ngân hàng thu gom ngoại tệ để nhập khẩu vàng nguyên liệu khi thị trường trong nước và thế giới có sự chênh lệch lớn, điều này khiến tỷ giá tăng giảm bất thường.
Sau khi NĐ 24 ra đời và quy định rõ, chỉ có Nhà nước độc quyền nhập khẩu vàng nguyên liệu sản xuất vàng miếng các ngân hàng không được phép nhập khẩu, thị trường ngoại tệ từ cuối năm 2011 đến nay không xảy ra "sốt" giá đột biến. Điều đó cho thấy, không có nhập lậu vàng quy mô lớn. Khả năng "hợp pháp hóa vàng lậu" là không thể xảy ra vì NHNN quản lý máy dập 24/24h, kể cả giữa ca nghỉ ăn trưa cũng phải niêm phong. Vì thế, khả năng vàng lậu chui vào máy dập thành vàng SJC là không thể.
Sau 30/6, thị trường vàng sẽ ổn?
Ngày 26/4, NHNN đã tổ chức thành công phiên đấu thầu lần thứ 12. Dù số lượng DN trúng thầu trong phiên này không nhiều (5 đơn vị), nhưng 26.000 lượng vàng được đưa ra đấu giá trong phiên đã được bán gần hết với 25.900 lượng vàng.
Như vậy, tính từ lần đấu thầu đầu tiên hôm 28/3 đến nay, thị trường đã trải qua 12 phiên, với lượng bơm vào tổng cộng 13,1 tấn vàng. Song, điều đáng nói là chênh lệch giá vàng hiện không giảm mà ngày càng cao. Hiện, chênh lệch này đã ở mức 5,6 triệu đồng, cao gấp đôi so với thời điểm sáng 28/3 - ngày mở phiên đấu thầu đầu tiên.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giá vàng trong nước chênh lớn so với vàng thế giới có một phần nguyên nhân từ việc giá chào thầu NHNN đưa ra luôn cao hơn giá thị trường. Tuy nhiên, theo số liệu từ NHNN, khối lượng đặt thầu trong các phiên đấu thầu thời gian qua luôn cao hơn nhiều so với khối lượng vàng đưa ra chào thầu. "Điều này chứng tỏ thị trường chấp nhận mức giá chào thầu NHNN đưa ra, thậm chí còn chấp nhận một cách nhiệt tình" - đại diện NHNN nói.
Phía NHNN cũng thừa nhận, thông qua đấu thầu, các tổ chức tín dụng (TCTD) có thể mua để tất toán vàng trước thời điểm 30/6. Các DN vàng cũng có thể mua để bán ra thị trường. Thông tin từ NHNN cho biết, hiện, trên thị trường vàng có hai nhu cầu lớn là cầu vàng từ các TCTD và cầu từ phía người dân. Về nguyên tắc, sau 30/6, khi các TCTD mua xong và nhu cầu lớn này được đáp ứng, chỉ còn nhu cầu của người dân thì giá vàng sẽ giảm", lãnh đạo NHNN nói. Tuy nhiên, đại diện NHNN cũng nhận định là hiện nay người dân không quan tâm đến giá chênh, mà chỉ quan tâm đến giá tuyệt đối, nếu thấy có lãi và phù hợp là họ sẽ mua vào.
Ngày 26/4, giá vàng trong nước tăng vọt lên mức 43 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC niêm yết ở mức 42,7 - 43 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 620.000 đồng so với phiên trước. Đây là mức cao nhất của giá vàng kể từ 13/4.Giá vàng thế giới giao ngay theo Kitco ngày 26/4 ở 1.477,10 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá Vietcombank hôm nay ở 20.960 đồng/USD, giá vàng trong nước cao hơn thế giới 5,6 triệu đồng/lượng.
Tại buổi họp báo do Văn phòng Chính phủ tổ chức chiều 26/4, Phó Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng một lần nữa khẳng định, các phiên đấu thầu vàng thời gian qua đã góp phần cung, qua đó giảm bớt áp lực về cầu, tránh những xáo trộn khó lường trên thị trường, ngăn tác động tiêu cực tới tỷ giá, kinh tế vĩ mô. Đây là thành công trong việc thực hiện Nghị định 24/2009/NĐ - CP khi NHNN tham gia thị trường. Tham gia đấu thầu không chỉ ngân hàng, mà còn có cả DN. Số vàng mua được, một phần được các tổ chức này tất toán hợp đồng cũ, phần khác đưa ra lưu thông trên thị trường. Đây là lý do giúp thị trường vàng và ngoại tệ thời gian qua không xáo trộn. Ông Hưng cũng khẳng định, NHNN thực hiện đấu thầu vàng theo các quy định của pháp luật, quyết định của Thủ tướng và phải tuân thủ các chính sách về quản lý ngoại hối. Khoản chênh lệch có được qua các phiên đấu thầu là nguồn thu của ngân sách Nhà nước, vì vậy sẽ phải chuyển về ngân sách theo đúng quy định. Và sau 30/6, khi các hợp đồng tất toán vàng tại các tổ chức tín dụng hoàn tất, thị trường vàng trong nước sẽ được cải thiện, ổn định hơn. |