Nhưng đi ra ngoài điều đó, câu chuyện “chắc ăn” ấy cũng ẩn chứa không ít chuyện đáng nói.
Chuyện có thai rồi mới cưới trước đây vẫn được coi là chuyện “nhỡ nhàng”, điều “cực chẳng đã”, nhưng hiện nay, ngày càng có nhiều người chủ động chọn hình thức này. Theo thống kê của các cuộc nghiên cứu, tỷ lệ phụ nữ sinh con rồi mới kết hôn đang tăng nhanh.
Thực tế này đến từ những thay đổi trong quan niệm sống của giới trẻ, khi họ xem việc “sống thử” trước hôn nhân là bình thường hoặc cần thiết. Những câu chuyện người này, người kia có con rồi mới cưới hay cưới nhau tháng trước, tháng sau sinh con xuất hiện ngày càng nhiều đã trở thành rất bình thường trong cuộc sống, không còn là điều đáng bàn luận.
Nhiều bạn trẻ cho rằng, khi dự định cho tương lai, họ muốn được đảm bảo là cả hai đều không có chuyện gì ảnh hưởng đến vấn đề con cái, nên việc có con trước được họ cho là cần thiết. Nhiều người hiện đại hơn, lại muốn có con trước với lý do để con cái được chứng kiến những khoảnh khắc ngọt ngào và hạnh phúc nhất của bố mẹ mình.
Điều đáng nói là lối sống mang nhiều hơi hướng phương Tây ấy không chỉ xuất hiện trong suy nghĩ của những người trẻ, mà còn được chính các bậc phụ huynh lên kế hoạch. Bởi suy nghĩ “cưới là chuyện nhỏ, sinh con mới là chuyện lớn; trong tình trạng vô sinh, hiếm muộn ngày càng gia tăng, biết cô gái đó về nhà chồng có sinh được con hay không?”, đã có những ông bố bà mẹ ngay từ phút đầu con dâu tương lai ra mắt đã tuyên bố thẳng thừng: “Sinh con đi, rồi mới cưới”. Mặc dù sự việc ấy vô tình cũng nảy sinh không ít bức xúc và làm tan vỡ không ít đôi lứa, bởi không phải ai cũng đồng lòng với quan điểm ấy.
Một người phụ nữ trẻ kể, ngày chị ra mắt gia đình chồng tương lai, mẹ anh nói bóng gió rằng nên có bầu trước rồi cưới. Tưởng chỉ là lời nói đùa, nào ngờ một thời gian sau chính anh cứ thúc giục “em cố gắng có bầu đi, rồi mình sẽ cưới!”.
Lấy nhau mà không có con thì đúng là bất hạnh thật, nhưng nếu đến với nhau chỉ vì để có con cũng cần xem xét lại.
Trong khi tỷ lệ vô sinh ngày càng nhiều, nên nhiều gia đình băn khoăn chuyện có con trước khi cưới cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, các nhà tâm lý cho rằng, “sự lựa chọn” theo hướng hiện đại ấy vẫn không tránh khỏi những hệ lụy, thử thách, mà đa phần gặp phải từ chính quan niệm của người trong cuộc. Không phải là tất cả, nhưng đã không ít trường hợp, đứa bé được sinh ra, cuộc hôn nhân lại “chưa nở đã tàn”, tình yêu cũng mất, người phụ nữ vô tình trở thành mẹ đơn thân.
Tuy hiện nay, sự nhìn nhận của xã hội đối với các mẹ đơn thân đã có nhiều cởi mở; nhiều người rơi vào hoàn cảnh ấy, đối diện với cuộc sống làm mẹ đơn thân cũng nhẹ nhàng, không ai có quyền phê phán gì. Nhưng cũng bởi sự “vô tình” rơi vào thay vì lựa chọn hoàn cảnh ấy, nên cũng khó nói rằng cuộc sống của những người mẹ đơn thân ấy đơn giản với vuông tròn hạnh phúc.
Rồi một vấn đề nữa cũng đặt ra, bản thân người phụ nữ khi đã hiến dâng hết nhưng mãi chưa có con, số phận sẽ ra sao, có giữ được tình yêu hay người đàn ông đi tìm người khác. Do đó, việc chủ động có thai mới cưới nghe có vẻ ổn, nhưng cũng cần xem xét lại, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 25, khi nghề nghiệp, tâm lý chưa ổn định, khả năng tự tổ chức cuộc sống và tiền tổ chức đám cưới cũng chưa có.
Theo các nhà tâm lý, khi đưa vấn đề này ra trao đổi với nhiều bạn trẻ, phần lớn đều cho rằng đứa con chính là kết quả đẹp nhất của tình yêu, việc có con trước hay sau khi cưới cũng không còn quá quan trọng nữa. Quan trọng nhất là hãy để cho những đứa trẻ ấy được sống trong tình yêu thương của bố mẹ.
Tuy vậy, không nên quá dễ dãi khi quyết định có con trước khi cưới. Hãy chỉ có con khi nào hai người cảm thấy thật sự tự tin và suy nghĩ chín chắn về tương lai cùng nhau. Thực tế cũng chỉ ra rằng, những cặp kết hôn rồi mới sinh con có đời sống hôn nhân ổn định và bền vững hơn với những đôi lựa chọn hình thức sinh con rồi mới kết hôn.