Đại biểu Trương Trọng Nghĩa xin góp ý một số ý kiến mang tính chất phương pháp luận về việc đánh giá những thành tích, tồn tại và định hướng sắp tới.
Trước hết, về GDP, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho rằng: “Nhiều chuyên gia và quốc tế đã cảnh báo, nếu đánh giá GDP không kèm theo đánh giá khác như: GDP được trả bằng giá nào, với những hệ lụy gì, được phân phối, phân bổ như nào, có bền vững hay không thì nó sẽ chệch hướng và đem lại những đánh giá không thật sự chuẩn mực.”
Do đó, ông Trọng Nghĩa cho rằng báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế cùng ý kiến của các đại biểu, Chính phủ nên nghiên cứu báo cáo đó kỹ và trả lời những câu trong báo cáo đó nêu ra thì sẽ rất tốt. “Ví dụ, chúng ta hay nói con số mà doanh nghiệp đăng ký, nhưng thẩm tra kỹ ra rằng là có xem lại những doanh nghiệp giải thể, chờ giải thể. Bởi có tình trạng doanh nghiệp trốn thuế, làm ăn không đàng hoàng, đóng cửa, tạm ngưng, thành lập doanh nghiệp khác. Hoặc Ủy ban Kinh tế cảnh báo về GNI, Chính phủ nên nghiên cứu kỹ báo cáo đó và có trả lời Ủy ban Kinh tế thì rất tốt. “ – ông Nghĩa nhấn mạnh.
Cũng theo ông Nghĩa, GDP không nên là tiêu chuẩn duy nhất để đánh giá năng lực lãnh đạo, thành tích của các địa phương. Ông Nghĩa đưa ra dẫn chứng: “Ở những vùng chúng ta cần bảo vệ môi trường, những vùng phên dậu của đất nước, thì chúng ta đánh giá người lãnh đạo ở đó khác, chứ không thể chạy theo GDP, bởi nếu chạy theo GDP sẽ dẫn đến chuyện chạy theo con số được đo bằng tiền và tăng trưởng bằng cách đổ vốn ra làm công trình này, công trình kia mà không quan tâm đến nhiệm vụ chính của những vùng miền đó.
Ở những nơi chúng ta cần bảo vệ môi trường, phải bảo vệ rừng mà để tàn phá rừng như thế thì phải đánh giá người lãnh đạo đó không hoàn thành nhiệm vụ, cho rằng GDP cho rằng đạt 5-7% mà để dân bỏ vùng miền đó đi, không sinh sống được ở vùng miền đó thì người lãnh đạo đó không hoàn thành nhiệm vụ, còn chúng ta đã có hệ thống phân bổ rồi, những nơi làm được nhiều, thuận lợi phát triển kinh tế, phải san sẻ cho các nơi khác.”
“Cho nên nếu về phương pháp luận, chúng ta không đánh giá đúng về GDP thì sẽ dẫn đến tình trạng chạy đua và chệch hướng.” – Ông Nghĩa nhắc lại.
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng đưa ra góp ý về cụm từ phát triển bền vững. Ông Nghĩa nhất trí với ý kiến Việt Nam phải có con đường phát triển riêng của mình. Theo ông, phát triển bền vững tại Việt Nam cần có ba trụ cột gồm: “Thứ nhất, chúng ta phải nâng cao văn hóa, thứ hai là bảo vệ môi trường và thứ ba là bảo tồn di sản. Chúng ta hay nói đạo đức, chính là nâng cao văn hóa, bảo tồn môdi trường, bảo tồn di sản là chúng ta duy trì đạo đức. Thì trong nâng cao văn hóa gồm hai vế là phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của dân tộc và tiếp thu, tiếp cận văn hóa hiện đại của thế giới.
Còn bảo vệ môi trường thì gồm có bảo vệ thiên nhiên, không khí, đất, nước, rừng, biển, không trung, mặt đất, lòng đất, bảo vệ môi trường xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng, sắc tộc, tôn giáo.
Bảo tồn di sản gồm có di sản thiên nhiên, di sản lịch sử, di sản văn hóa, thì tôi cho rằng, trong cái phát triển bền vững là song song tạo ra tài sản, giá trị vật chất thì chúng ta phải định hướng xã hội, định hướng công dân, định hướng các ngành và các vùng miền vào ba trụ cột này.”
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh: “ Nếu chúng ta chỉ định hướng bằng tiền thôi thì cứ kêu gọi đầu tư nước ngoài ào ào vào đây, tăng GDP lên và cuối cùng chúng ta đánh mất đi chủ quyền, chúng ta lệ thuộc kinh tế và tự lệ thuộc kinh tế, chúng ta sẽ không thể tự chủ nhiều mặt khác nữa. Cho nên chúng tôi đề nghị, xoay chụp lại, xuyên suốt trong định hướng phát triển của chúng ta là ba trụ cột gồm văn hóa, môi trường, di sản. Đó chính là con người, nếu không chúng ta sẽ có những con người giống như những người ở các nơi trên thế giới, sống ở đâu cũng được, không làm ở Việt Nam thì qua Mỹ làm cũng được mấy ngàn đô một tháng thì không còn con người với bản sắc Việt Nam và vì thế sẽ ảnh hưởng đến việc bảo vệ chủ quyền của đất nước, bảo vệ bản sắc của dân tộc chúng ta.”
Ngoài ra, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cũng chia sẻ ý kiến với một số đại biểu của bên Bộ Quốc phòng rằng: “Việc bảo vệ chủ quyền mà chúng ta thấu hiểu rằng Đảng và Nhà nước, mọi người dân Việt Nam đều yêu nước, đều muốn bảo vệ chủ quyền và không có sự nhân nhượng bất kỳ nào, khi nói đến vấn đề bảo vệ chủ quyền, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ các quyền thiêng liêng của dân tộc chúng ta.
Chúng ta cũng nên có sự thông tin đầy đủ hơn qua hệ thống chính trị mà chúng ta đã có đầy đủ ở cả nước, phủ khắp như vậy,kịp thời hơn, đầy đủ hơn và có nhiều cách hơn để chúng ta thông tin đến người dân để làm sao người dân có sự yên tâm, tin tưởng vào tương lai và kết quả bảo vệ chủ quyền của đất nước chúng ta.”