Tuy nhiên, trên thực tế, việc thực hiện lại rất hạn chế do chỉ mang tính chất tự nguyện. Một vài trường hợp có áp dụng nhưng chỉ duy trì trong một thời gian rất ngắn...
Câu chuyện chỉ nóng trở lại khi Bộ Tài chính (đầu quý IV/2016) tiên phong thực hiện việc và mới đây tiếp tục đề ra những giải pháp để mở rộng đối tượng khoán xe công.
Theo quy định hiện hành, xe công đưa đón từ nhà đến nơi làm việc chỉ dành cho lãnh đạo có hệ số phụ cấp trách nhiệm từ 1,25 trở lên. Như vậy, cấp bộ chỉ có Bộ trưởng, Thứ trưởng, còn địa phương chỉ có Bí thư, Chủ tịch tỉnh mới được xe công đưa đón. Song thực tế thời gian qua, tại nhiều bộ, nhiều địa phương, những người không thuộc chế độ đưa đón bằng xe công vẫn mặc nhiên sử dụng, thậm chí còn sử dụng xe công vào việc riêng, không chỉ gây lãng phí ngân sách mà còn gây bức xúc trong dư luận.
Chỉ nhìn vào số lượng xe công hiện nay và chi phí để “nuôi” cũng thấy khó mà chấp nhận khi kinh tế đất nước đang gặp nhiều khó khăn. Sơ sơ thống kê, cả nước có khoảng gần 38.000 xe công, thuộc mức cao so với thế giới, trong đó có khoảng 26.000 xe phục vụ công tác chung. Để sở hữu số xe này, ngân sách đã tốn gần 23.000 tỷ đồng. Sau một thời gian dài sử dụng, giá trị của những chiếc xe công trên nay chỉ còn lại khoảng hơn 6.700 tỷ đồng (35%). Đó là chưa kể chi phí cho mỗi xe trung bình 320 triệu đồng/năm (gồm chi phí xăng, dầu, lái xe, sửa chữa, bảo dưỡng…) đã tiêu tốn ngân sách khoảng 13.000 tỷ đồng/năm, chưa kể phải sắm mới. Nếu thực hiện khoán kinh phí đối với một số chức danh, nhất là đối với xe phục vụ công tác chung, mỗi năm ngân sách có thể tiết kiệm ít nhất 1.500 tỷ đồng.
Sau Bộ Tài chính, Hà Nội là địa phương đi đầu trong việc khoán xe công. Bắt đầu từ 1/3/2017, TP Hà Nội đã triển khai thí điểm tại 4 sở và 4 quận, huyện. Bước đầu ghi nhận, hóa ra việc khoán xe công phục vụ các chức danh nếu triển khai quyết liệt, bài bản, nghiêm túc được nhiều người ủng hộ, kể cả những chức danh được giao khoán. Qua việc thí điểm trên, dự kiến có khoảng gần 50 xe của 8 sở và quận, huyện trên tổng số 400 xe công sẽ được bàn giao lại cho TP để điều chuyển phục vụ những nhu cầu thực sự cần thiết hoặc thanh lý. Dự kiến sau thời gian thí điểm, đến ngày 1/10/2017, Hà Nội sẽ áp dụng đồng loạt tại các đơn vị. Việc này sẽ giúp Hà Nội tiết kiệm khoảng 50 tỷ đồng/năm.
Việc thực hiện khoán xe công ở Bộ Tài chính, hay thí điểm khoán tại Hà Nội thời gian qua mặc dù mới trong giai đoạn đầu, số tiền tiết kiệm cũng chỉ là ước lượng nhưng điều quan trọng mà nó mang lại là sự thay đổi về tư duy và hành vi. Tiếp theo đó là sự chuyển biến tích cực của chính sách. Tuy nhiên, phía trước vẫn còn nhiều việc phải làm đòi hỏi các bộ, ban, ngành và địa phương cùng quyết tâm, quyết liệt mới không để lặp lại tình trạng khoán cũng như không trước đây.