Không để lãng phí nguồn lực đất đai

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Sở KH&ĐT Hà Nội đã công khai danh sách 16 dự án BĐS trên địa bàn TP bị thu hồi, chấm dứt hoạt động do chậm triển khai. Đây là động thái kiên quyết của TP và nhận được sự ủng hộ đồng tình của dư luận nhằm phát huy nguồn lực đất đai, đầu tư hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

 Nhiều khu đất dự án tại khu Nam Trung Yên được sử dụng làm bãi gửi xe. Ảnh: Thanh Hải
Chấm dứt tình trạng “găm” đất
16 dự án bị thu hồi đều thuộc các vị trí đắc địa, nằm tại 12 quận, huyện khác nhau và nằm trong số 47 dự án mà Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã khẳng định rà soát thu hồi, tại phiên giải trình về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn TP ngày 13/8. “Trong 47 dự án, Sở TN&MT chịu trách nhiệm với 8 dự án trên địa bàn huyện Mê Linh, còn lại 39 dự án Sở KH&ĐT chịu trách nhiệm rà soát. Qua rà soát bước đầu, Sở đã đề xuất và được TP chấp thuận thông báo công khai rộng rãi, thực hiện thủ tục thu hồi với 16 dự án. Còn lại các dự án khác Sở đang rà soát, dự kiến sẽ công bố vào quý I/2019” – Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho biết.
Dự án “đắp chiếu” hoặc chậm triển khai là một trong những nguyên nhân tác động tiêu cực đến kinh tế Thủ đô, lãng phí tài nguyên, ảnh hưởng xấu đến bộ mặt đô thị, cuộc sống của người dân xung quanh dự án. Gần đây, Hà Nội có nhiều quyết sách thực hiện nghiêm việc rà soát đất đai, lập các đoàn kiểm tra tiến độ các dự án. Đây được xem là hành động quyết liệt đối với các DN cố tình "ôm đất", nhất là các lô đất “vàng” trên địa bàn Thủ đô, để lựa chọn được nhà đầu tư đủ năng lực, đáp ứng cho sự phát triển của Thủ đô. 

Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam Phạm Sỹ Liêm
Theo Điểm i, Khoản 1, Điều 64 Luật Đất đai hiện hành: Trường hợp chủ đầu tư được Nhà nước giao, cho thuê đất để thực hiện dự án mà không sử dụng trong 12 tháng liên tục thì chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp khoản tiền tương đương tiền sử dụng đất, tiền thuê đất với thời gian chậm tiến độ thực hiện dự án. Nếu hết thời gian gia hạn mà chủ đầu tư vẫn không đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi mà không phải bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất.

HĐND TP Hà Nội đã chỉ ra lý do khiến dự án chậm tiến độ như: GPMB, quy hoạch, chưa hoàn thành nghĩa vụ tài chính… Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Mạnh Quyền cho hay, trong quá trình thực hiện rà soát các dự án để thu hồi, TP đều mời các nhà đầu tư đối thoại làm rõ nguyên nhân chậm, tháo gỡ những khó khăn. 16 dự án đã được rà soát rất kỹ đủ điều kiện để thu hồi. “TP đi sâu tìm hiểu những khó khăn của DN, song cũng cương quyết xử lý, thu hồi với những dự án mà chủ đầu tư hoàn toàn không đủ năng lực”- ông Quyền chia sẻ.

Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho hay, việc giải quyết vấn đề đất đai rất thận trọng vì liên quan quyền lợi, nghĩa vụ của các bên và các cấp chính quyền. Để tránh phát sinh khiếu nại, tới đây, các tổ công tác của Sở sẽ phối hợp với các ngành đến từng quận, huyện xem xét từng vụ việc, tiếp tục giải quyết theo quy định.

Mạnh tay với các dự án chậm triển khai

Ngoài hoàn tất việc thu hồi 47 dự án, UBND TP Hà Nội cũng thúc giục cơ quan cấp dưới triển khai thanh, kiểm tra với hàng trăm dự án có vi phạm về sử dụng đất đai. “Trong kế hoạch của TP giao, chúng tôi tiếp tục rà soát 383 dự án nữa. Vừa qua, chúng tôi đã phối hợp với Sở TN&MT rà soát các dự án này, có 295 dự án đã được giao đất nên Sở TN&MT sẽ phụ trách. Còn lại Sở KH&ĐT rà soát 88 dự án chưa làm thủ tục giao đất mới chỉ làm thủ tục đầu tư” - ông Quyền cho biết.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm được TP chỉ đạo thực hiện quyết liệt là nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về quy hoạch đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý các đơn vị, DN vi phạm. Đối với các dự án bị thu hồi sẽ được sử dụng phù hợp với mục đích công cộng như: Xây dựng trường học, nhà trẻ, bãi đỗ xe theo đúng quy hoạch, kế hoạch của UBND TP Hà Nội. Trong trường hợp giao cho các đơn vị sản xuất, kinh doanh khai thác thì các khu đất bị thu hồi sẽ phải đấu thầu theo quy định.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, Hà Nội luôn tạo điều kiện cho các nhà đầu tư tham gia xây dựng phát triển Thủ đô, tuy nhiên TP cũng cương quyết nói không với tình trạng dự án “đắp chiếu”, gây lãng phí đất đai. Các chủ đầu tư dự án vi phạm đều được công khai, minh bạch. Thời gian tới, TP sẽ khẩn trương hoàn thành phần mềm để quản lý chặt chẽ, đồng thời nắm chắc diễn biến trong quá trình đầu tư đối với các dự án.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần