Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để mất lợi thế thương hiệu khi CPH doanh nghiệp thương mại Hà Nội

Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có thể nói, những mặt được và chưa được của quá trình cổ phần hóa (CPH) DN ở Việt Nam thì cũng được biểu hiện tương tự trong quá trình triển khai ở các DN thương mại của Hà Nội.

Có khác chăng ở chỗ 15, 20 năm qua, khi tiến hành CPH, nhiều DN thương mại Hà Nội có giá trị thương hiệu cao nhưng đã bị bỏ qua.
 
Giá trị thương hiệu còn hơn cả giá trị doanh nghiệp
Người dân Hà Nội và cả nước từng biết đến những thương hiệu nổi tiếng trong ngành thương mại Thủ đô như: Bôđêga, Đông Đô, Phú Gia, kem Tràng Tiền, Thủy Tạ, Bắc Nam, vang Thăng Long, Đông Á... Những thương hiệu này đều có giá trị rất cao, thậm chí còn lớn hơn cả giá trị tài sản của một DN. Nhưng giá trị thương hiệu đó đã bị bỏ qua một phần.
Mặt khác, các DN trên lại chiếm những vị trí vô cùng đẹp đẽ, có địa tô chênh lệch cao ở các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa... Do vậy khi CPH DN cũng bỏ sót giá trị địa tô nói trên. Đó là hai điểm khác biệt lớn nhất khi CPH các DN thương mại Hà Nội so với các tỉnh, thành khác. Việc định giá các tài sản hữu hình và nhất là những tài sản vô hình nêu trên trong quá trình CPH là một bài học để sau này CPH các DN thương mại Hà Nội sẽ hiệu quả hơn và chính xác hơn.

Nhà hàng Thủy Tạ là một trong những thương hiệu nổi tiếng của ngành thương mại Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải  

Thực tế quá trình CPH của các công ty trong ngành thương mại Hà Nội từng nổi lên những diễn biến cần quan tâm: Việc xây dựng chiến lược kinh doanh sau CPH còn chưa được coi trọng, công sức chủ yếu của toàn công ty và các cơ quan quản lý tập trung cho việc định giá tài sản DN, sắp xếp bộ máy nhân sự lao động… Do vậy việc hoạt động của các công ty thương mại Hà Nội vẫn là "bình mới rượu cũ", nghĩa vụ nộp ngân sách, thu nhập người lao động cũng không có chuyển biến đáng kể.
Với tình hình trên thì việc có nhiều nhà đầu tư chiến lược tham gia vốn và tham gia ban quản trị DN là hết sức khó khăn. Chủ yếu vẫn là các nhà đầu tư, các lãnh đạo cũ nắm được thông tin tiến hành mua cổ phiếu của cán bộ, công nhân viên trong DN là chính… Các yếu tố trên làm cho sự phát triển của các DN CPH bị hạn chế. Cùng với nó là công tác quản lý Nhà nước về thương mại trên địa bàn, trong đó đối với các công ty cổ phần có phần suy giảm hơn trước, các chế độ báo cáo thỉnh thị thưa dần, hiệu lực của các văn bản chuyển xuống không được thực hiện đến nơi đến chốn.
Chính vì thế, theo các quyết định mới nhất của Chính phủ về tiêu chí phân loại Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối hoặc cổ phần không chi phối thì các DN thương mại không thuộc diện Nhà nước nắm cổ phần trên 50%. Đây là một chủ trương hết sức đúng đắn trong tiến trình CPH và cũng là điều kiện để đẩy nhanh CPH các DN thương mại trên địa bàn Thủ đô thời gian tới.
Khắc phục những tồn tại bằng cách nào?
Bên cạnh những đặc điểm chung, quá trình CPH DN thương mại Hà Nội cũng cần tính tới những đặc điểm riêng. Nhiều DN thương mại có nhiều đất đai phải tổ chức đấu thầu công khai, kể cả quốc tế. Bên cạnh đó, cần mời các chuyên gia am hiểu về DN thông tin cho công luận biết trước khi đấu giá để tránh thất thoát. Nếu chỉ nói thoái vốn, CPH DN Nhà nước thì quá đơn giản, đằng sau cái đơn giản ấy là nhóm lợi ích, chính vì thế đòi hỏi phải công khai, minh bạch, nhất là mạng lưới đất đai sẽ xử lý thế nào. Khi CPH phải xác định mục đích sử dụng đất luôn, nếu không nhà đầu tư sẽ chuyển thành đất ở, đất thương mại... rồi bán kiếm lời. Đồng thời phải định hình ngay là Hà Nội bán vốn Nhà nước tại DN nhưng nó phải phục vụ quốc kế dân sinh cho TP. Riêng đối với các thương hiệu vang bóng của Hà Nội, giá trị của chúng không nằm ở thương hiệu mà ở đất đai các DN này đang nắm giữ. Bởi thế, TP phải xem xét từng trường hợp cụ thể, thương hiệu nào cần giữ. Tuy nhiên, việc nắm giữ cũng chỉ ở một số DN quan trọng, còn lại nên để tư nhân tham gia, vừa tiết kiệm cho ngân sách, vừa thu hút thêm nguồn lực.
Điều quan trọng hơn cả để tạo động lực cho CPH các DN thương mại Thủ đô cũng như các DN Nhà nước nói chung, thời gian tới rất cần sự đồng bộ từ 3 phía: Nhà nước, DN và nhà đầu tư.