Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Không để người nghèo bị bỏ lại phía sau

Trần Oanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2018, ngành LĐTB&XH Hà Nội đã đạt được những kết quả nổi bật, nhất là hoàn thành hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, đưa tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 1,16%. Nhân dịp đầu năm mới 2019, Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành đã chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị về những biện pháp giảm nghèo bền vững.

 Giám đốc Sở LĐTB&XH Hà Nội Khuất Văn Thành 
Xin ông cho biết, TP đã thực hiện những giải pháp gì để đến cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo chỉ còn 1,16%, hoàn thành trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo của TP giai đoạn 2016 - 2020?
- Năm 2016, toàn TP Hà Nội có 65.377 hộ nghèo, chiếm 3,64% tổng số hộ dân cư. Trước thực tế này, ngày 10/2/2017, UBND TP đã ra Quyết định số 824/QĐ-UBND về việc ban hành Kế hoạch thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020. TP phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,2%; riêng khu vực nông thôn tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1,5%.

Để triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2018, UBND TP Hà Nội đã trình HĐND TP các văn bản về cơ chế, chính sách về giảm nghèo. Cùng với đó, hàng năm, UBND TP còn ra quyết định phê duyệt kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo làm căn cứ thực hiện chính sách giảm nghèo… Về phía UBND các quận, huyện, thị xã cũng xây dựng kế hoạch giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020 và kế hoạch giảm nghèo hàng năm phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương. Riêng các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân, Quốc Oai, Ba Đình, Long Biên, Tây Hồ còn ban hành Đề án giảm nghèo bền vững. Một số địa phương lại có những chính sách hỗ trợ hộ nghèo giảm nghèo nhanh, hiệu quả như các huyện Đan Phượng, Mỹ Đức, Quốc Oai, Thạch Thất hỗ trợ bò giống, tặng xe máy làm dịch vụ, trợ giúp máy khâu, máy ép nước mía…

Để giảm nghèo bền vững, yếu tố nguồn lực giữ vai trò rất quan trọng. Vì thế, trong 3 năm 2016 - 2018, TP đã bố trí trên 6.362,6 tỷ đồng, trong đó có 2.015 tỷ đồng ủy thác sang Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội TP để cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được vay vốn… TP cũng dành trên 3.497,6 tỷ đồng để thực hiện các chính sách cho người nghèo, hộ nghèo (đóng bảo hiểm y tế, chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ tiền điện, trợ cấp cho người già ốm đau không có khả năng lao động thoát nghèo…). Bên cạnh đó, TP đầu tư 850 tỷ đồng để hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng các xã miền núi, vùng dân tộc. Ngoài nguồn ngân sách, trong 2 năm 2016 và 2017, Ủy ban MTTQ TP Hà Nội đã vận động được hơn 13 tỷ đồng cho quỹ “Vì người nghèo”. Cấp huyện và xã cũng vận đồng được hơn 102,7 tỷ đồng để hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo.
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn dự khánh thành và tặng quà cho các hộ nghèo ở xã An Phú, huyện Mỹ Đức. Ảnh: Ánh Ngọc
Năm 2018, Hà Nội đã hoàn thành hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 4.166 hộ nghèo, đạt 103% kế hoạch đề ra. Ông có thể cho biết các giải pháp cụ thể để đạt được kết quả trên?

- Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo là một trong những chính sách nhằm góp phần giảm nghèo bền vững. Đây cũng là chủ trương rất nhân văn của TP và đã được triển khai thực hiện từ nhiều năm nay. Chỉ tính riêng trong năm 2016 - 2017, các quận, huyện, thị xã đã hỗ trợ xây, sửa nhà ở xuống cấp, hư hỏng nặng cho 1.996 hộ nghèo từ nguồn ngân sách địa phương và vận động. Riêng trong năm 2018, UBND TP ban hành Kế hoạch số 29/KH-UBND về hỗ trợ nhà ở hộ nghèo trên địa bàn TP. Trong đó, đặt ra mục tiêu hỗ trợ xây, sửa 4.046 nhà ở hộ nghèo xuống cấp tại 15 huyện, thị xã. Kinh phí dự kiến thực hiện Kế hoạch là 202 tỷ đồng, theo đó ngân sách TP ủy thác chi qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội để cho hộ nghèo vay mức 25 triệu đồng/hộ, không phải trả lãi. Về phía TP và huyện, thị xã vận động xã hội hóa để hỗ trợ thêm mỗi hộ 10 triệu đồng/nhà sửa và 20 triệu đồng/nhà xây mới.

Đến hết ngày 15/10/2018, các huyện, thị xã đã hoàn thành Chương trình hỗ trợ nhà ở hộ nghèo. 4.166 ngôi nhà được xây sửa với tổng kinh phí 423,5 tỷ đồng. Có thể khẳng định, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay của các DN, tổ chức, TP đã tập trung chăm lo cho các hộ nghèo với quyết tâm không để các hộ thoát nghèo lại tái nghèo, đặc biệt, không để các hộ cận nghèo trở thành hộ nghèo.

Một thành tích nổi bật trong công tác giảm nghèo của Hà Nội đó là đến nay 4 quận Cầu Giấy, Ba Đình, Tây Hồ và Thanh Xuân không còn hộ nghèo. Ông có nhận định gì về kết quả này?

- Giảm nghèo được xác định là một chỉ tiêu thi đua, đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Vì thế, các quận huyện, thị xã phải đưa ra được những biện pháp, giải pháp nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Nhiều địa phương hưởng ứng phong trào thi đua, đã ban hành Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững, phấn đấu giảm 100% hộ nghèo trên địa bàn.

Đơn cử như quận Ba Đình đầu năm 2018 có 435 hộ nghèo. Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ quận đề ra mục tiêu năm 2018 giảm tối thiểu 50% tỷ lệ hộ nghèo, tương đương 221 hộ. Tiếp đó, Đảng ủy 14 phường có hộ nghèo của quận Ba Đình đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo. Trên cơ sở phân tích nguyên nhân, phân loại nhóm và nắm chắc thực trạng tình hình, tâm tư nguyện vọng của các hộ nghèo để xây dựng kế hoạch thực hiện hiệu quả các giải pháp tới từng hộ… Sau nhiều cố gắng, nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, đến hết tháng 10/2018, toàn quận Ba Đình đã hoàn thành giảm 100% số hộ nghèo trên địa bàn (435/435 hộ).

Với kết quả cuối năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo trên toàn TP giảm còn 1,16% (nếu trừ số hộ nghèo chính sách bảo trợ xã hội, tỷ lệ hộ nghèo của TP chỉ còn 0,6%) đã góp phần vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho Nhân dân. Trên cơ sở những kết quả đạt được, năm 2019, ngành LĐTB&XH Hà Nội tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn các địa phương và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phấn đấu giảm 0,3% hộ nghèo so với năm 2018, tương đương 3.548 hộ nghèo. Qua đó, thực hiện tốt phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Xin cảm ơn ông!